THÂM ÂN

Cơn gió nào đưa con vào giấc mộng

Mấy mươi năm tạm gọi một đời người.

Mang trên vai gánh nặng kiếp nhân sinh

Và mang cả một khoảng trời bất diệt.

Rồi một sớm khi bình minh ló dạng

Ánh sáng kia bừng rỡ giấc mơ màng

Bao ưu tư bao khổ nhọc trong đời

Nhè nhẹ trút, khoảng trời Không rộng lớn.

Con còn nhớ, ngày bước chân vào thiền viện là thời gian con vừa rời ghế nhà trường. Với cái tuổi còn ham ăn ham ngủ, cái tuổi hay chìm đắm trong những mơ tưởng về tương lai hay quá khứ và của cả sự ngỗ nghịch. Vừa mới xuất gia, vẫn còn chân ướt chân ráo chưa biết gì nhưng không biết nhân duyên gì con lại được Thầy chọn vào trong ban phụ làm thị giả cho Sư ông. Trong khi đó, một trái thơm con cũng không biết làm sao gọt, nấu ăn lại càng không thể. Chỉ mỗi chuyện dọn mâm cơm thôi mà con cũng quên trước quên sau. Khi thì thiếu đũa, khi thì thiếu muỗng ăn cơm hoặc thiếu chén nước tương. Thậm chí có lần Thầy dọn đồ ăn lên bàn xong, chuẩn bị bới cơm cho Sư ông thì phát hiện không có thố cơm. Những lúc con vô ý tứ như vậy, Sư ông cũng không nói gì chỉ ngồi chờ con chạy về lấy cơm. Sư ông là vậy, luôn hiền hòa khoan dung, không trách cứ gì nhưng con lại nghe cay cay khóe mắt, tự trách sao mình quá dỡ chỉ mỗi một việc nhỏ mà làm cũng không xong để Sư ông phải nhọc lòng.

Nhớ một lần, công việc buổi sáng làm chưa xong nên phải trốn ngồi thiền chiều để hoàn tất. Hôm đó, theo thường lệ, cứ đến chiều là Sư ông đi dạo qua bên ni. Nghe tiếng báo: “Sư ông qua!” Thế là con cùng chị Hà, hai chị em đang ngồi lựa yến trong phòng thị giả lính quính không biêt trốn đi đâu cho kịp, liền xếp ghế nhựa thành một chồng rồi ngồi thụp xuống an tâm trốn vì cái mặt đã được chồng ghế che chắn cẩn thận. Có ngờ đâu khi Sư ông đi ngang qua nhìn vô liền lên tiếng: “Giờ này mà đứa nào ngồi dưới đó vậy?” Hai chị em bẽn lẽn đứng lên xá chào nhưng chưa kịp thưa gì thì Sư ông đã đi khuất. Thầy thị giả nhìn theo tủm tỉm cười. Rõ ràng chúng con đã trang bị kỹ lưỡng, chẳng hiểu sao lại không qua được cặp mắt tinh tế của Sư ông. Nên con mới kêu chị Hà ngồi thử, con ra ngoài nhìn mới biết ở dưới trống không nhìn vô là thấy cái chân rồi. Hèn gì… Những năm tháng đầu ở Trúc Lâm, Sư ông canh thiền kỹ lắm, buổi chiều mà đi lơn tơn gặp Sư ông thế nào cũng bị hỏi: “Sao không đi ngồi thiền?”, thế là đương sự phải có một bài giải trình lý do hợp lý thì mới được thông qua. Nên không có duyên sự gì đặc biệt thì không ai dám cả gan bỏ thời khóa. Chính nhờ vậy mà tinh thần tu tập của đại chúng luôn có khí thế hừng hực.

Tuy con hơi vụng về nhưng có lần khi Sư ông lên Đăk Lăk giảng, Thầy cũng cho con đi theo phụ với thầy Phó. Vì hay bị say xe nên lên xe con chỉ nhắm mắt ngủ thôi. Đang ngon giấc thì nghe Sư ông gọi: “Thức dậy đi mấy đứa ơi! Cảnh đẹp lắm nè, cho tụi con đi thật uổng, chỉ biết ngủ thôi!” Nghe tiếng Sư ông cả xe đều tỉnh hết, bao mệt mỏi cũng tan biến và thế là thức luôn nghe Sư ông kể chuyện, những câu chuyện gần xa đời thường mà đầy đạo vị. Những lúc gần bên Sư ông, con cảm thấy Người là hóa thân từ bi của Bồ tát ban cho sự ấm áp, che chở đầy trí tuệ khiến tâm hồn chúng con luôn được an ổn để dần chữa lành những vết thương vấp ngã.

Những năm tháng đầu khi mới xuất gia con chưa hiểu thế nào là tu giải thoát, chỉ đơn giản khi lên Trúc Lâm tập tu thấy vui và thích ở thôi. Dù rằng lúc đó Trúc Lâm ngồi Thiền ngày ba thời, mỗi thời hai tiếng mà con lại ở độ tuổi còn mê ngủ, thức khuya dậy sớm là một vấn đề vô cùng khó khăn, cộng thêm ngồi suốt hai tiếng đau chân không thể tưởng. Ngày nào cũng vậy, buổi khuya nghe tiếng kiểng thức chúng, tuy còn buồn ngủ nhưng con cũng phải ráng dậy theo đại chúng tọa thiền. Bắt chân lên ngồi thiền, vừa niệm Phật xong là con ma ngủ đã kéo đến, một tiếng sau thầy Chánh đi giám thiền khi ấy con mới chịu tỉnh táo. Buổi chiều ngồi thiền cũng vậy, sau giờ ngủ trưa lên tọa Thiền có khi cũng bị hôn trầm nhưng khi nghe tiếng gậy lộc cộc, biết Sư ông đang đi dạo bên ni thì cả thiền đường im phăng phắc, đại chúng ngồi thật đoan nghiêm. Một sức sống mãnh liệt đang lan tỏa khiến ai cũng ngồi yên tỉnh rụi.

Hết buồn ngủ thì tới đau chân. Năm, mười phút cuối thời là một khoảng thời gian dài vô tận. Vừa ngồi con vừa tụng không biết bao nhiêu lần bài sám hối để cố gắng không xả chân. Đôi lúc đau chân quá con ngồi quan sát các sư cô lớn mà sanh lòng nể phục, không biết đến khi nào mình mới ngồi được như vậy.

Lâu lâu con cũng muốn xả hơi, có lần, sau khi ra hạ thấy vài cô xin về Sài Gòn khám bệnh, trong lòng cũng thấy nôn nao nên đến ngày thỉnh nguyện con cũng ra xin Sư ông về. Sư ông hỏi con muốn đi vì lý do gì? Con vô tư trả lời: “Dạ, vì con bị sổ mũi.” Sư ông cười, nói: “Con có bệnh nhẹ thì xin thuốc uống đâu cần phải đi Sài Gòn.” Thế là ước mơ về nhà đã bị dập tắt.

Ngày tháng trôi qua, sống trong sự yêu thương đùm bọc dạy dỗ của Sư ông và quý Thầy, con chỉ có việc lo học kinh, ứng dung tu trong cuộc sống hằng ngày. Hạnh phúc tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng con vẫn không đón nhận được trọn vẹn, trong tâm vẫn còn rất nhiều suy nghĩ và phiền não buồn, vui, thương, ghét… đầy đủ hết. Đặc biệt khi ngồi một mình thì tư tưởng càng hoạt động mạnh mẽ hơn, cứ miên man suy nghĩ hết chuyện này, tính tới chuyện khác, lớp lớp không dừng, vậy nên không thể nào vui nổi. Tự đấu tranh với tư tưởng đã mệt mỏi nên trong công việc con không thể nào tập trung được, cho nên cũng thường bị Thầy rầy, nhắc nhở. Có một lần Thầy bận không qua thất Sư ông được, dạy con bưng mâm buổi lỡ qua để Sư ông dùng, Sư ông hỏi con:

– Dạo này con tu thế nào?

Con trả lời :

– Dạ, con toàn thấy vọng tưởng.

Sư ông cười và nói :

– Con cứ tiếp tục duy trì cái biết vọng, một thời gian sẽ tự hết vọng.

Lúc đó, con chỉ biết dạ thôi chứ không nghĩ mình sẽ có được ngày đó. Tuy nhiên con vẫn nghe lời Sư ông dạy, trong mọi hành động đi, đứng, làm việc… đều quan sát tâm mình và biết, không làm gì cả. Cho đến một ngày con được nhập thất, vì là lần đầu chưa biết gì nên có phần hơi lo lắng, thêm phần cũng sợ ma nên đi cầu các sư cô lớn tư vấn để học hỏi kinh nghiệm. Khi ra đảnh lễ Sư ông, Sư ông dạy: “Khi vô thất con chỉ cần biết vọng tưởng và không theo, như vậy là được rồi.” Con nghe lời Sư ông dạy trong mọi oai nghi đều kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng mỗi khi ngồi thiền là bị ngứa không thể tưởng nhưng con vẫn cố gắng không buông chân. Với quyết tâm mạnh mẽ thêm sám hối bốn thời cuối cùng cũng tự hết. Sau đó con cứ duy trì áp dụng lời dạy của Sư ông. Tuy một câu nhắc đơn giản của Sư ông nhưng gói gọn trong đó là hành trang rất quan trọng trong công phu tu tập bước đầu của con. Và kết quả con đã phải tự cười với chính mình:

Ta sinh ra với hai bàn tay trắng

Thì trong tâm cũng trong trắng thơ ngây

Nụ cười tươi không chút đượm ưu phiền

Người tinh khiết như thơm mùi sữa lạ

Năm tháng dần trôi…

Ta lớn lên trong vòng tay thương mến

Rồi bắt đầu cũng biết giận, biết hờn

Biết thương yêu, biết ghét, biết đăm chiêu

Bao cái biết ta thảy đều biết cả

Ai đã dạy, đã gieo rắc cho ta

Không ai cả mà chính là ta đó

Đã bao đời điên đảo, đảo điên

Luôn đeo đuổi bóng trần duyên giả dối

Bỏ quên đi cái thật ở nơi mình

Luôn hiện hữu không bao giờ xa cách.

Được hội ngộ tương phùng với “Người tri kỷ” là một niềm vui lớn. Thế nhưng khi bước ra ngoài làm việc chạy theo duyên này nọ nên nhiều lúc cũng quên đi. Và nếu không khéo giữ gìn liên tục thì khoảng cách tao ngộ “Người bạn ấy” cũng dần xa. Đó là sự lãng quên rất tồi tệ nên để vọng tưởng, tình thức làm chủ lấy tâm, cuối cùng thì vẫn tiếp tục loay hoay với những phiền não, thao thức, trăn trở, chỉ khi nổ lực quyết tâm quay về thì mới được nhẹ nhàng nghỉ ngơi, an trú. Thời gian được gần Sư ông và hai Thầy con đã học hỏi được rất nhiều điều hay. Cho đến khi rời xa vòng tay bảo bọc đó, con mới biết thời gian qua thật rất quý báu với con… Chính Sư ông và hai Thầy đã tôi luyện, hun đúc cho con những hành trang vô giá nên bây giờ dù gặp nhiều nghịch duyên chi phối, thế nhưng ít ra con cũng biết được con đường để trở về. Con không biết diễn tả sao cho hết thâm ân, chỉ biết mượn vài lời bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình.

Một lạy, con xin đền ơn thân mẫu

Đã cho con vóc dáng hình hài.

Bao nhiêu năm nuôi dạy trẻ lớn khôn

Bằng tất cả sự hy sinh cao cả.

Thương con trẻ mẹ ngậm ngùi biết mấy

Thế nhưng Người vẫn nghiêm khắc răn đe

Nuốt tình thương mong con trẻ nên người

Dù đơn độc chỉ riêng mình thấu hiểu.

Con không biết tình thuơng cao quý ấy

Mãi vui say trôi theo những thức tình

Mãi khổ, vui trong ảo ảnh phù vân

Quên chí hướng ngày đầu khi xuống tóc.

Lạy thứ hai, ân Sư ông giáo dưỡng

Đã cho con trí tuệ sáng ngời

Mấy mươi năm chẳng ngại nhọc sức mình

Người luôn chỉ thân, tâm này không thật

Con si dại bao năm không tường tận

Để rêu xanh che phủ lối con về

Nẻo tử sanh lôi kéo mãi không dừng

Con chùn bước quay cuồng không lối thoát

Đêm phủ tối dường như không ánh sáng

Có ngờ đâu bừng rỡ thật phân minh

Nẻo tử sanh tỏ rõ lối con về

Nguồn tâm sáng màn vô minh lùi bước

Lạy thứ ba, ân Thầy thương dạy dỗ

Con nên người nhờ đức hạnh con ơi!

Tâm từ bi Người nung đúc dỗ dành

Rèn nhân cách của con dòng Thích tử

Con dù lạy dẫu chân chùn gối mỏi

Cũng không sao đền đáp hết thâm ân

Chỉ lặng yên soi sáng mãi không ngừng

Luôn tự tại thâm ân đền mới hết.

Con kính dâng.

Huyền Ngữ.

Lên đầu trang