THEO CHÂN THẦY

Năm tháng lạnh lùng dần qua như dòng sông mãi trôi về biển cả. Người lái đò năm nào vẫn mải miết chèo thuyền đưa khách sang sông. Bao lượt khách đã lên thuyền xuống bến, có người còn nhớ nhân duyên một thuở trở về thăm lại chốn xưa, có người vẫn còn tha phương quên đi những năm tháng khốn khó đã được Người đưa tay chỉ đường dắt lối. Bến cũ người xưa còn đó, hoặc đã một thời như sư tử hống gầm vang hoặc giờ lặng im như Thánh, dù ứng hiện cách nào bằng mọi phương tiện Người vẫn thầm lặng trợ duyên cho những kẻ lang thang biết đường về lại cố hương. Sức giáo hóa của Người mãi luôn lan tỏa khắp nơi.

Con là một trong những người khách phong trần được Thầy dày công chỉ dạy cách tự chèo chống tự bơi lội, hoàn thiện bản thân, lướt qua mọi cơn sóng gió để về lại bến bờ, sống một đời có ý nghĩa. Thầy không nắm tay dìu dắt con trên con đường trải gấm thêu hoa mà luôn tập cho con đi những nơi đầy gai góc, sỏi đá, một mình phấn đấu một mình vượt qua, để có lúc mệt quá con phải thầm than “Đường tu của mình sao mà khổ vậy!” Và con đã cố gắng rất nhiều để không bị gục ngã, để mỗi ngày mỗi kiên cường mỗi vững tiến.

“Nam nhi tự hữu xung thiên chí”. Đó là ý chí trượng phu của các bậc cổ nhân, bình sanh đã tự khám phá bản thân, khai mở chí cao thoát nghiêng trời lỡ đất, bước đi vững vàng phằng phẳng trên con đường gập ghềnh. Tùy duyên đến tùy duyên đi mà không xa rời bản ý Phật Tổ, như gà lạnh lên cây vịt lạnh xuống nước. Thầy đã rèn luyện chúng con ý chí hướng thượng mạnh mẽ như vậy đó.

Tuy nhiên, dù có chí đội trời đến đâu thì hành trình cũng không thể xa rời mặt đất. Con người qua lại chốn nhân gian đều phải tùy thuận các pháp nhân duyên. Nhân duyên đã chi phối muôn loài muôn vật cả hai đường thuận nghịch. Nhân duyên có muôn màu muôn vẻ, thiên hình vạn trạng, quá khứ vị lai trùng trùng điệp điệp, không có trí tuệ như Phật Tổ thì không thể biết hết được. Chỉ nhìn hiện tại của mỗi đời người để biết được ít nhiều nhân duyên từ quá khứ, vậy thôi.

 Nhân duyên con đến với đạo Phật, gặp được Thầy không nhiều cũng không ít, vừa đủ để trở thành thắng duyên. Sau khi ba con bệnh nặng qua đời, trong lúc đau buồn, con được một chị bạn đưa cho quyển sách “Vài Vấn Đề Phật Pháp” của Thầy. Duyên xưa gặp lại, đọc xong con như được bừng sáng thấy rõ đường đi của mình, nên dù chưa được phép con cũng thầm tự nhận mình là đệ tử của Thầy. Từ dạo ấy, trong con có cái gì đó luôn thôi thúc nên quyết tâm lên đường đi tìm minh sư.

Vào những năm 1976 – 1977, ở quê con rất hiếm người biết đạo nên cũng ít ai biết Thầy. Nhờ duyên lành đưa lối, con được gặp một sư cô trước đã từng tu học ở tu viện Bát Nhã trên núi Tương Kỳ. Được sư cô khuyến khích, hai chị em con lặn lội đường xa tìm đến tu viện Chơn Không để được quy y với Thầy, để được thấy được nghe những điều xưa giờ chưa từng được thấy nghe.

Sau lễ quy y, hai chị em con lên đảnh lễ Thầy. Lúc đó, Thầy đang ngồi trên tảng đá to trước thất, vừa gặp chúng con, Thầy liền hỏi: “Tụi con đi đâu? Đi xin xuất gia phải không?” Con lặng người, thầm nghĩ “Chắc Thầy có thần thông nên biết được ý mình”. Quả là chúng con đang có ý định này nên khi nghe Thầy hỏi vậy liền “Dạ!”. Thầy hỏi thăm gia cảnh, được biết gia đình con đạo Cao Đài, Thầy bảo “Trước Thầy cũng theo đạo Cao Đài.” Nghe vậy con cũng yên tâm, không còn mặc cảm mình là người ngoại giáo, không biết có tu Phật được không. Cũng trong lần này Thầy đã hứa sẽ cho chúng con xuất gia, khi nào Thầy lập một thiền viện mới, chúng con sẽ là những người chúng đầu tiên ở đó. Tuy không biết ất giáp gì nhưng con vẫn luôn tin vào lời hứa đó.

Khi chị em con vào thiền viện Viên Chiếu công quả, vô tình con đã nói với một ni sư là Thầy hứa sẽ lập thiền viện mới, chúng con sẽ được xuất gia tu học ở đó. Ni sư đã cười và phán một câu xanh dờn “Tới cóc mọc râu mới lập được thiền viện mới.” Vì trong thời điểm tranh tối tranh sáng đó, cuộc sống của chư tăng ni trong các thiền viện còn khó khăn bộn bề nên việc lập một thiền viện mới là điều khó thể. Câu chuyện tưởng chừng đã chìm lặng theo thời gian, bỗng dưng như hoa mùa xuân một sớm bừng nở rộ, cơ duyên chín muồi Phật sự này cũng được thành tựu. Sau lễ giỗ của Sư ông Viện trưởng ở Phước Hậu, Thầy về thăm thiền viện Sơn Thắng, chúng con được theo cùng. Thầy đã gọi chúng con lên phòng khách, giới thiệu quý ni trưởng trong Ban điều hành thiền viện mới, được đặt tên là thiền viện Linh Chiếu và ấn định ngày mùng tám tháng tư năm sau sẽ cho chúng con xuất gia.

Sau lễ xuất gia ở Chơn Không, Thầy dạy ba huynh đệ chúng con – xuống thiền viện Linh Chiếu nhập chúng tu học. Ni trưởng thị giả hỏi: “Sao gấp vậy Thầy?” Thầy bảo: “Xuống phụ người ta xây dựng.” Thế là chúng con khăn gói quả mướp xuống núi, bắt đầu cuộc sống của một thiền sinh chân lấm tay bùn, bắt đầu một cuộc hành trình mới đầy gian nan nhưng cũng lắm điều thú vị: lúc bắt đầu chính là lúc trở về.

Kể từ khi con được xuất gia, được theo chân Thầy, tuy vất vả nhưng luôn hoan hỷ trong biển pháp mênh mông như người đang khát mà được uống nước trong mát vậy. Để rồi từng lúc hạt giống lành vô thỉ nơi con từ từ bén đất nảy mầm, mỗi ngày đượm nhuần thay da đổi thịt thành con người mới tinh khôi. Cứ như vậy, con âm thầm lặng lẽ theo chân Thầy, mặc nhiên không một chút suy nghĩ đắn đo.

Những tháng ngày tu học ở thiền viện Linh Chiếu là thời gian tôi luyện. Thầy đã không xem chúng con là nữ nhi thường tình mà mài giũa theo kiểu nam nhi chí tại thượng, việc gì cũng phải tự lập tự làm. Ngay như việc cất nhà mà chỉ nhờ thợ dựng kèo cột, khung sườn còn phên vách thì chúng ni trẻ phải tự mày mò chẻ tre đóng nẹp, rồi đạp đất trộn rơm để trét. Công việc dưới đất thì không nói gì, đến chuyện lợp nhà cũng phải tự lợp lấy mới là đáng nể. Lần đầu ngồi vắt vẻo trên nóc nhà có những cây đòn tay làm bằng tre, nhìn cảnh chênh vênh giữa trời mây không nơi nương tựa đó con vừa run vừa sợ, nhưng cũng nảy sanh chút khí tự hào “Kia đã là trượng phu thì ta đây cũng vậy” có gì phải sợ. Lần hồi, huynh đệ con đã thành những tay thợ khéo lão luyện, lợp nhà, làm vách nhuần nhuyễn hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác trong khu thiền viện mới.

Không phải làm việc gì Thầy cũng chỉ dạy cặn kẽ, có khi Thầy bảo làm nhưng cách làm thì phải tự học tập, tự tìm cách, sao cho có kết quả là được. Những ni trẻ vừa mới quăng cây bút, cạo tóc vào chùa liền phải đảm đương gánh vác những công việc xưa nay chưa từng biết. Con đúng là điếc không sợ súng, nên liên tục nhận vai trưởng ban ruộng, trưởng ban vườn, ban tiêu, ban nho, công việc nào với con cũng lạ lẫm, cũng bắt đầu bằng số không. Vậy nên kết quả khi được khi thất, không có gì chắc chắn, vậy mà cũng phải ráng làm, chứ không dám bỏ cuộc. Thầy đã lập ra trận pháp và bắt chúng con muốn sinh tồn thì phải tự tìm cách phá giải. Trận chiến sanh tử nếu không có đủ ý chí, nghị lực, trí tuệ sắc bén thì làm sao để đối địch? Thầy là vậy đó, một vai gánh vác trọng trách trồng người, biến kẻ ngu thành người trí, luyện kẻ yếu hèn thành dũng sĩ lâm trận bất bại. Chúng con luôn biết ân Thầy đã cho chúng con dũng khí ngất trời, dám liều mình chiến đấu với bọn ma sanh tử mà chỉ được quyền thắng chứ không được thua.

Lúc con làm trưởng ruộng, biết con chưa rành công việc, Thầy chỉ dạy bước đầu cho đỡ bỡ ngỡ, còn những công đoạn sau đó con phải ra đồng học các nhà nông mọi thứ từ cuốc lật đất, vô nước, rồi thay sức trâu kéo cào bừa đất cho bằng phẳng để cấy lúa, cấy rồi phải chăm bón thế nào cho có kết quả. Lúc đó con lớ ngớ không có chút kiến thức gì về ruộng vườn, những công việc có thể rất tầm thường với người khác nhưng với con thật là chẳng dễ, nhưng cũng không hiểu tại sao Thầy bảo con làm mà con lại dám làm. Tuy có lo lắng, sợ mình không kham nổi nhưng con cũng không có can đảm chối từ. Vậy nên con luôn tự nhắc nhở “Cố gắng đừng để Thầy thất vọng”. Có lẽ cả đời con đều sống chết với điều “Không để Thầy thất vọng”, không chỉ về mặt làm việc mà luôn cả phần tu, học của mình.

Hết làm ruộng Thầy bảo làm vườn, con cũng mặc nhiên vâng làm mà không có chút thắc mắc hay do dự. Mọi thứ cũng được bắt đầu từ không. Đầu tiên là không biết làm, sau đó lại phải học cách. Thầy ở Chơn Không thi thoảng gửi các hạt giống nhãn, mãn cầu dai, vú sữa… cho con trồng. Cứ vậy lần hồi cũng có được khu vườn với nhiều loại cây trái. Vườn tạm ổn, Thầy bảo giao cho huynh đệ khác, con lại bươn chải với vườn nho, vườn tiêu cho tới ngày Thầy đặc cách cho lên chức Giáo thọ, con mới hết những ngày tháng lên bờ xuống ruộng, nếm đủ mùi thành công thì ít mà thất bại thì có thừa.

Đi tu, làm đệ tử Thầy là phúc duyên lớn nhất của đời con. Ở bên Thầy, con luôn được thử thách bản thân. Có thể những công việc được Thầy giao phó, con đã làm hết sức, cống hiến hết mình đó hiện giờ đã không còn chút dấu vết gì, nhưng những kinh nghiệm rút tỉa được trong những năm tháng đầy vất vả khó khăn ấy đã đúc thành vốn sống giúp con được vững chãi, kiên cường hơn để có thể làm tròn trách nhiệm của mình. Những cảm xúc chân thành về tình thương, sự che chở của Thầy, mãi đọng lại trong con những nỗi niềm khó tả, khó phai mờ. Tình Thầy thật thiêng liêng cao quý, ân Thầy như trời cao bể rộng, lời quê ý vụng không đủ sức tán dương công đức sâu dầy đó.

Muôn lời như một lời đầy chân thật, sâu mầu của Thầy đã thấm dần vào máu thịt những tâm hồn non dại, khiến chúng con buông dần những gánh nặng ưu phiền, những lỗi lầm quê vụng. Chúng con đã được Thầy dìu dắt từ những bước đi chập chửng như vậy, để rồi dần dần như trăng ra khỏi mây, càng ngày càng sáng tỏ con đường tu của mình, để tự đảm đương dám thừa nhận mình là con ông trưởng giả, chấm dứt những ngày tháng nghèo cùng lang thang. Nếu không có Thầy, giờ đây chúng con sẽ luôn bị não phiền thiêu đốt như người ở giữa bầy kiến lửa, đứng yên hay cựa quậy, nhất cử nhất động, loay hoay kiểu gì cũng đều bị chúng tấn công. Thầy đã hiện thân ở chốn nhân gian này để cứu vớt bao tâm hồn tiều tụy đầy khổ đau đưa đến bờ giác an vui.

Sau năm 1986, cuộc thế đổi thay Thầy xuống núi rồi về Thường Chiếu cho tới khi lên Trúc Lâm, con có duyên được phụ với ni trưởng làm thị giả Thầy. Những khi Thầy ra Bắc vào Trung giảng hay khi ra nước ngoài, có khi con cũng được theo Thầy. Chứng kiến những nỗi vất vả, tất bật như con thoi chạy tới chạy lui nơi này nơi nọ của Thầy, con đã thầm nghĩ không biết sức nào mà chịu nổi. Con đường hoằng pháp đâu phải lúc nào cũng dễ dàng xuôi thuận, có lúc cũng gặp trở gió nghịch buồm, người thương kẻ ghét, nhìn Thầy con rất đau xót, nhưng Thầy vẫn an nhiên vô úy như chẳng có chuyện gì. Không có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn thì làm sao kham nhẫn trước những cơn sóng to gió lớn trong biển trần mênh mông này. Ở bên Thầy, con thấy mình thật tầm thường bé bỏng như con ốc khờ dại giữa lòng đại dương. Con cứ học học mãi nơi Thầy mà vẫn chưa hoàn thành bài học, Thầy ạ!

Khi Thầy thành lập thiền viện Trúc Lâm, Thầy dạy con phụ với ni trưởng công việc điều hành Nội viện ni. Đối trước một trọng trách như vậy, con biết mình còn nhiều thiếu sót chưa đủ sức đảm đương, nên đã nhiều lần từ chối nhưng thấy Thầy không vui con lại phải cố gắng nhắm mắt đưa chân vậy. Những ngày đầu thật gian khổ, chúng con vừa lo xây dựng cơ sở, vừa lo điều chúng theo đúng Thanh quy, quả thật quá khó khăn. Có những lúc nản lòng con xin rút lui, Thầy động viên “Đất càng khô cây càng cứng, gian nan đó không phải làm khó ta mà chính là trợ giúp cho ta vậy”. Tôn trọng quý kính Thầy, con lại phải tiếp tục ráng nuốt cho trôi bài học thật khó này.

Ngày tháng dần trôi, mọi việc trong Nội viện ni cũng tạm đi vào quỹ đạo, Thầy lại giao cho chúng con những trách nhiệm khác, con lại phải tất tả đi làm nhiệm vụ mới. Làm Phật sự ở xứ lạ quê người, xa Thầy Tổ, đơn thân độc mã không có đại chúng trợ giúp, lại thêm có nhiều người chưa hiểu, chưa thông cảm với mình nên công việc càng vất vả gấp nhiều lần. Đã vậy còn có lắm điều dị nghị, đàm tiếu, có miệng mà chẳng thể nói nên lời, nhưng Thầy vẫn tin con, khích lệ con phải hoàn thành công tác Thầy đã giao phó, rồi mọi việc sẽ qua, đó cũng là tu hành. Với Thầy công việc không chỉ đơn thuần là việc mà thông qua đó phải học cách tùy duyên, mài giũa tập khí, trui rèn ý chí, kham nhẫn chịu đựng để từ cục đất sét vô dụng nơi chốn bùn lầy trở thành pho tượng xinh đẹp hữu dụng, được bao người kính trọng. Con luôn thầm biết ân Thầy vì những điều đó. Cho dù bao người quay lưng lại với con, chỉ cần Thầy tin con là đủ, vì năng lượng đó là chất liệu an bình giúp con tăng thêm sức mạnh để tiếp tục kiên trì. Con đã từng hỏi Thầy “Sao đường đi của con lại nhiều gian truân vậy?”, Thầy nói nhẹ nhàng: “Vậy mới thuộc bài kinh Bát-nhã”. Như bao lần khác con lại mặc nhiên chấp nhận cái duyên khổ của mình và tiếp tục bước đi khập khiễng trong những khó khăn mới. Để rồi trong cái khó ló cái khôn, con đã thu lượm được nhiều hoa trái đẹp để một đời sống được với hai chữ ‘thanh nhàn’.

Các huynh đệ được Thầy giao trọng trách thường nói đùa: “Thầy đẩy thuyền ra khơi, để mình phải tìm cách chèo chống, ai chống không nổi thì bị chết chìm ráng chịu”. Vậy nên ai không muốn chết chìm đều phải tập bơi và cố gắng chèo. Đó cũng không khác cách “Ăn trộm dạy con” của chư Tổ ngày xưa. Nhờ vậy mà huynh đệ chúng con được lớn khôn thành người hữu ích và có thể phần nào thay nhọc cho Thầy.

Thầy thường nói “cây trái sai, cành dễ gãy”. Con như đọc được sự mệt mỏi và đuối sức trong câu nói đó. Nhưng con thiển nghĩ Thầy tuy nhiều trái nhưng cành rất vững chắc và trái rất đẹp. Hổ phụ sanh hổ tử, sau Thầy các đại huynh, đại tỷ đã kế thừa hạnh nguyện của Thầy một cách xuất sắc. Riêng con không có chí lớn, không làm được điều gì nổi trội như chư huynh đệ của mình, chỉ thầm lặng bước theo chân Thầy, tùy duyên làm những điều cần làm, làm một người tu bình thường cơm cháo, để mỗi ngày được sống là chính mình, với con vậy là quá đủ. Nếu là ngày xưa, nghe con nói vậy chắc Thầy sẽ quở con một trận: “Tre già măng mọc. Tre già măng chưa mọc thì lấy ai để kế thừa, mầm rang giống chín!”.

Mỗi lần nhìn tấm biển “Đức Hóa Lưu Phương” trước cửa nhà Tổ, con thật chạnh lòng. Con biết Thầy đã gửi gấm trong đó bao nhiêu kỳ vọng nơi những môn đồ của mình. Nên luôn tự hỏi mình đã làm được gì cho đạo, cho chúng sanh để xứng đáng là đệ tử của Thầy. Thật là hổ thẹn! Công đức pháp hóa của Thầy quá rộng lớn, duyên độ sanh của Thầy cũng trải khắp, chúng con chưa thể sánh muôn một. Cho dù năm tháng có làm cho tứ đại Thầy mòn mỏi nhưng hạnh nguyện thắp sáng ngọn đèn thiền, đưa người sang bờ giác của Thầy chưa từng nhạt phai. Tấm gương sáng đó luôn soi rọi, tăng sức cho con những lúc quá mệt vì vòng xoáy cuộc đời.

Những năm tháng đầu ở Trúc Lâm, chúng con cảm thấy rất diễm phúc, vì luôn được tắm mình trong mưa pháp nhũ, luôn được ấm áp trong tình thương che chở của Thầy. Giờ đây non cao phủ đầy sương lạnh, chùa xưa vẫn sừng sững uy nghiêm giữa rừng thông gió reo mây quyện. Cảnh đẹp như tranh, trăm hoa khoe sắc, sơn thanh thủy tú, bầy chim rừng sáng sáng ríu rít gọi nhau, từ đỉnh núi xa mặt trời luôn sớm thức dậy, mỗi ngày tiếp nối mỗi ngày. Nhưng con vẫn thấy thiếu vắng một hình bóng ngày ngày dù nắng hay mưa đầu đội chiếc nón lá rộng vành, chống cây gậy thong dong dạo khắp vườn chùa. Con nhớ như in cây gậy trong tay Thầy giơ lên cao, quơ qua quơ lại thấp thoáng dưới bóng tùng mỗi khi chúng con tiễn Thầy về thất. Nhìn dấu hiệu đó, chúng con biết là lúc phải mau chóng quay về nơi chốn của mình. Không biết cây gậy này có giống gậy Vân Môn không, nhưng với chúng con nó hàm chứa bao điều kỳ diệu mà đương nhơn chỉ có cảm chứ không thể nói được. Chính cây gậy này đã chỉ ra đầu đường hướng thượng, để chúng con mỗi người tùy sức tự thừa đương.

Ở buổi hoàng hôn của cuộc đời Thầy vẫn luôn hết lòng vì tứ chúng, luôn tranh thủ thời gian để hoàn thành tâm nguyện mở ra một trang mới cho dòng thiền Việt Nam, làm sống dậy Thiền tông đời Trần, khơi mạch nguồn ngàn xưa, gợi cho mọi người biết được tài sản vô giá của lịch đại Tổ sư, để soi chiếu tự kỷ nhận ra diện mục xưa nay của mình. Suốt thời gian Thầy ở Trúc Lâm, cho dù thời tiết ấm lạnh thất thường, dù khỏe mạnh hay ốm đau, thậm chí có những hôm Thầy bị cảm rất nặng chúng con khẩn xin Thầy nghỉ ngơi cho khỏe, Thầy vẫn nhất mực không bỏ buổi giảng nào. Ngồi nghe Thầy giảng, giọng khàn đục gắng sức, ai nghe cũng xót, thương Thầy thật nhiều nhưng càng kính phục Thầy vì đạo xả thân. Con người ở khoảnh khắc xế chiều, tứ đại mệt mỏi rã rời, mấy ai dám quên mình vì người như vậy. Mới trách những kẻ còn sức trẻ mà luôn tính toán lời lỗ thiệt hơn, không dám ra công cống hiến phụng sự.

Trong chúng có một chị được đặt bí danh là “mít ướt”. Mỗi khi nói về Thầy chị đều xúc động rưng rưng. Ngày xưa ở bên Thầy, con chưa hình dung ra khi vắng Thầy những đứa đệ tử của Thầy đều trở thành mít ướt mỗi khi nhớ đến hay nói về ân sư của mình. Có lần huynh đệ ngồi lại bên nhau, kể chuyện xưa kia được ngồi bu quanh Thầy, tíu tít kể cho Thầy nghe những chuyện trên trời dưới đất, nói nhiều thành quá đà, Thầy kiên nhẫn ngồi nghe một hồi, liền phán hai chữ “tào lao”. Lúc đó nghe Thầy quở vậy cả bọn cùng cười, ngày nay nhắc lại thì cả bọn chúng con đều khóc. Những ngày tháng ấy giờ đã xa rồi, chỉ còn là những ký ức một thời.

 Có một Phật tử nói “bây giờ về Trúc Lâm thấy hơi lạnh”. Không lạnh sao được, khi ngày xưa khắp mọi nơi đều có bóng dáng Thầy. Bước chân Thầy đã in đậm trên những con đường cao thấp, bàn tay Thầy vung gậy khắp nơi, gậy tới đâu thì thiên đường hiện tới đó, cây xanh hoa kiểng… thi nhau đua sắc nên nay vắng Thầy sao không lạnh được! Nhưng với con, Thầy luôn hiện diện như chưa từng xa cách. Có lẽ vì chúng con đã từng được uống no dòng sữa pháp ngọt ngào của Thầy. Và giờ đây, mỗi buổi sáng chiều pháp âm Thầy vẫn còn vang vang trên đỉnh Phụng Hoàng. Tiếng cười tự tại của Thầy vẫn luôn phảng phất ở đâu đây, mọi thứ vẫn như tồn tại trong mỗi chúng con, chưa hề thiếu vắng.

Khi ngồi biên tập lại những lời Thầy sách tấn tăng ni Trúc Lâm trong những buổi Thỉnh nguyện và những câu chuyện gần xa đầy đạo lý trên băng đá mỗi chiều, con cảm thấy thấm thía những lời ân cần tha thiết của Thầy, nhất là những năm Thầy chuẩn bị nghĩ ngơi, trao trọng trách Tông môn cho chư huynh tỷ. Trong những lời sách tấn đó, nửa như gởi gấm niềm tin, nửa như dặn dò hậu bối phải kế thừa chí nguyện của Thầy, đừng xao lãng, đừng sai lệch. Con thiết nghĩ, huynh đệ chúng con những người đã chịu ân giáo dưỡng của Thầy sẽ không quên lời Thầy răn nhắc, sẽ không cô phụ sự kỳ vọng của Thầy. Dù ai có đi đông đi tây thì hành trang vẫn là những lời dạy tâm huyết một đời của Thầy, sẽ không dám thay màu đổi sắc, sẽ không đến đỗi đi quá xa như người đệ tử sau cuộc bôn ba phong trần, trở về chùa cũ mà đứng ngẫn ngơ, ngậm ngùi trước đôi cánh cửa gài, không biết đường nào về lại chốn xưa.

Ngày nay chúng con mỗi người mỗi phương, dù đang ở đâu hay làm gì thì ánh sáng chân lý Thầy hết lòng soi rọi cho những tâm hồn non dại ngày nào đã dần được trưởng thành, vững vàng trong mỗi hành trình. Thời gian dần trôi, một số đệ tử của Thầy đã trở thành những cội tùng bách trong tòng lâm thì sức lực của Thầy cũng hao mòn vì những tháng năm tận tụy ươm mầm Phật pháp, để kế thừa Tổ nghiệp. Chúng con càng khôn lớn thì công đức giáo hóa của Thầy càng sâu dầy. Non cao biển rộng còn có khi mòn, khi cạn nhưng tình Thầy vẫn uy nghi bền vững thách thức thời gian. Thầy đã cho chúng con tất cả mà không ra điều kiện nhận lại. Công ơn Thầy chúng con biết làm sao đáp đền đây?

“Thầy là bóng cây che mát chúng con. Thầy là ánh sáng dắt dìu đàn con. Thầy là con thuyền thanh lương đưa chúng con đến bờ thơm hương. Thầy theo hạnh nguyện pháp vương treo gương tròn sáng soi đời con…” Dù tán thán bao nhiêu lời vẫn không nói hết được trí tuệ vô biên, công hạnh rộng lớn, lòng từ bi bao la đã dưỡng nuôi, chỉ lối cho bao thế hệ tăng ni, phật tử về lại gia hương, đã thắp sáng ngọn đèn thiền chiếu soi bao tâm hồn lạc lối, bao mảnh đời bất hạnh. Lời nào nói hết ân đức tái sanh của Thầy, ngôn ngữ trần gian như chiếc thùng lủng đáy không thể đong đầy công ơn pháp nhủ của Thầy. Con kính mong Thầy tuổi hạc niên cao như cội tùng già uy nghi tỏa bóng rộng khắp chở che cho muôn loài, trong đó có đàn hậu học chúng con. Con nguyện đời đời luôn được làm đệ tử Thầy, được như chim con lặng lẽ bước theo chân phụng hoàng, cất cánh bay cao để viên thành tâm nguyện xuất trần thượng sĩ của mình.

Đệ tử kính ghi.

Hạnh Diệu. 

Lên đầu trang