Thời gian trôi thật nhanh, kể từ ngày Sư ông chấp nhận cho con thế phát xuất gia vào đạo. Dù qua nhiều năm rồi, nhưng bao kỷ niệm bao cảm xúc trong con bỗng dưng sống lại như thuở nào. Từng ký ức, từng câu chuyện nhỏ dẫn con bước chân từ đời vào đạo.
Con nhớ lúc con vừa biết đọc chữ, con được má đưa cho đọc những quyển sách đạo sơ cơ. Với trí óc non nớt của một đứa trẻ lên tám con chưa hiểu tu là gì, nhưng con thấy người xưa phát tâm đi tu thì con cũng thích được đi tu. Cho đến bây giờ con mới biết đó chính là nhân duyên mà con đã phát nguyện và gieo trồng từ nhiều đời nhiều kiếp.
Hồi ấy, có lần con được má và dì đưa con đi chơi biển Vũng Tàu. Và Vũng Tàu chỉ ấn tượng với con vì nơi đó có biển. Nhưng sau này, đối với con vùng đất ấy lại là dấu mốc quan trọng cho cả cuộc đời con. Bởi nơi đây còn là nơi tọa lạc của ngôi tu viện đầu tiên do Sư ông thành lập hướng dẫn tu thiền. Con đã được tới tu viện Chơn Không, cũng chính nơi đây con được gặp Sư ông, bậc Tôn sư khả kính của cả đời con.
Từ đó mỗi năm cứ đến kỳ nghỉ hè và sang Tết, con lại có dịp đi Vũng Tàu và con được lên thăm Sư ông. Vậy mà đến năm 12 tuổi con mới đủ duyên cùng với anh trai quy y với Sư ông. Sư ông cho con pháp danh Chơn Tiến và giải thích tên con là tiến một cách chơn thật. Có lần, con được nghe Sư ông giảng nhưng tâm hồn non nớt rụt rè của con lúc đó chưa đủ lớn để hiểu hết lời giảng của Sư ông. Nhưng con thấy các cô Phật tử nghe rồi cười, con thắc mắc: “Sao nghe “Thầy” giảng mà lại cười!?”.
Rồi Sư ông dời về thiền viện Thường Chiếu, con cũng theo về thăm vào mỗi dịp rằm và lễ lớn. Dù còn đang tuổi cắp sách đến trường, nhưng con cũng đã nhiều lần ngỏ lời xin phép má cho con được đi tu. “ Má! Cho con đi tu nghen má!” Câu này đã được lập đi lập lại nhiều lần, nhưng bởi vì má thương con, sợ đi tu rồi phải chịu cực, chịu khổ nên dù biết đạo nhưng má con vẫn cứ hẹn lần, hẹn lần. Tuy nhiên, chí nguyện xuất gia chưa từng phai nhạt trong con. Con càng lớn thì chí nguyện đó cũng lớn theo.
Đến lúc rời ghế nhà trường, con lại một lần nữa xin phép má để được đi tu. Và thêm lần nữa má con lại hẹn “Con ráng học cho có nghề!” Con lại ngoan ngoãn theo lời khuyên của má. Sau này con mới biết chỉ vì má muốn kéo dài thời gian để con quên đi chí nguyện xuất gia. Nhưng không! Con vẫn nhớ mãi lời phát nguyện của mình. Thế nên trong một kỳ nghỉ hè, con lại ra thiền viện Thường Chiếu và xin được tập tu xuất gia. Và con đã được Sư ông chấp nhận cho vào ở thiền viện Linh Chiếu mà không yêu cầu con phải được gia đình chấp thuận.
Lúc này nguyện ước từ thuở nhỏ của con mới được thực hiện. Ngày xuất gia, con rộn rã háo hức bao nhiêu thì má lại rơi nước mắt bấy nhiêu. Sau khi con được Sư ông và quý Thầy truyền giới Sa-di-ni, con được nhập chúng Linh Chiếu, Thầy đặt cho con một cái tên mới “Linh Nhựt”. Con tiếp nhận đạo hiệu này với nỗi mừng vui khấp khởi. Nhưng rồi, trong lần thỉnh nguyện đầu tiên nghe đến tên con, Sư ông bảo:
– Tên “Nhựt” nóng lắm! Sư ông đổi cho con tên “Linh Nguyệt” cho mát mẻ nghen.
Vậy là, con lại có phúc duyên được Sư ông đặt tên gọi mãi tới ngày nay. Con nhớ, lúc đó con làm ở Tuệ Tĩnh Đường, Sư ông dạy con theo cô Diệu Thủ học châm điện. Sư ông thấy con lùn quá nên bảo:
– Con nói cô Thủ châm hai cái chân con cho con cao lên một chút.
Con chỉ cười mà không biết thưa với Sư ông câu gì cả.
Tuy mới vào đạo nhưng con cũng được theo quý Thầy, quý Sư cô học kinh, luận với Sư ông. Mỗi khi nghe Sư ông giảng con cũng ráng cố gắng lắng nghe kỹ để có thể hiểu từng lời giảng của Sư ông. Có lần con theo chân đại chúng đưa Sư ông về thất, Sư ông hỏi con:
– Con học kinh Lăng Nghiêm có hiểu không?
Con thưa:
– Thưa Sư ông, con đọc thì không hiểu nhưng Sư ông giảng thì con hiểu.
Sư ông chỉ cười mà không nói gì cả.
Một hôm, Sư ông đang dùng điểm tâm, quay sang hỏi con: Con thích ăn món gì?
Con vô tư thưa: Con ăn món gì cũng được!
Sư ông cũng chỉ cười. Cũng là nụ cười nhưng qua từng thái độ, cử chỉ con cảm nhận sự quan tâm của Sư ông đối với đại chúng.
Thế rồi, thiền viện Trúc Lâm thành lập. Con lại được đủ duyên lành được đến đây từ buổi ban sơ khi thiền viện mới bắt đầu xây dựng. Dù thời gian này công tác khá bận rộn nhưng chúng con vẫn cố gắng giữ đúng thời khóa.
Khi thiền viện hoàn thành phần cơ bản, chúng con được đi vào nề nếp vừa học vừa tu. Tuy rất cố gắng nhưng vì chủng tử tập khí phàm phu nên chúng con đã tự tạo chướng ngại cho mình không ít. Với lòng từ bi của một bậc chân tu, Sư ông vẫn luôn muốn chúng con tu hành có kết quả thật sự. Có lần sắp vào mùa “An cư”, Sư ông nói:
– Sư ông cho tụi con vô Hạ, rồi Sư ông ra nước ngoài kiếm tiền về nuôi tụi con.
Con thưa:
– Thưa Sư ông, bây giờ tụi con có Sư ông nuôi, mai mốt không có Sư ông tụi con không biết làm sao?
Sư ông hiền từ trả lời:
– Thì tụi con ráng tu giỏi như Sư ông vậy đó.
Thật là cao quý, thân thương làm sao! Bởi vì ở thế gian bất cứ người thầy nào cũng đều giữ lại một ngón nghề cho riêng mình. Riêng trong đạo thì không vậy lúc nào cũng mong học trò của mình tu có kết quả như mình mới kham truyền trao. Nên người xưa nói: “Thấy bằng với thầy là còn kém thầy nửa đức”. Riêng con, nếu được theo kịp những bậc tôn túc trong tông môn đã là quá sức rồi, huống chi là theo kịp Sư ông. Vậy mà với tâm lão bà tha thiết, lòng từ bao la không bờ bến, với tâm nguyện khơi nguồn cho dòng thiền Việt Nam sống lại và chảy mãi, Sư ông luôn gieo niềm tin cho hàng hậu bối chúng con tu cho sáng đạo. Sư ông thường xuyên nhắc thiền viện Trúc Lâm là “lý tưởng tối hậu” của Sư ông để khích lệ chúng con phải luôn nổ lực, phải luôn cố gắng tu cho tới bến tới bờ.
Gần sáu năm đã trôi qua, thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng vắng bóng hình của Sư ông, nhưng những lời dạy dỗ răn nhắc của Người luôn khắc ghi trong tâm trí của chúng con. Sư ông đã đem tâm huyết thực hiện lý tưởng tối hậu của mình và tất cả chúng con là những người được núp dưới bóng từ bi ấy phải quyết thực hành theo lời Sư ông chỉ dạy để trở về cội nguồn của mình. Nhưng con đường trở về còn quá xa, lại còn bao nhiêu thứ phù phiếm của thế gian hấp dẫn lôi cuốn nên chúng con phải cố gắng miên mật giữ mình để không rơi vào cảnh trôi sông lạc chợ.
Con nhớ ngày trước, mỗi lần Sư ông sang thường hỏi thăm việc học hành, hỏi han sức khỏe của chúng, khuyến khích động viên chúng phải ráng học, ráng tu. Dù chúng con quyết tâm tu nhưng thi thoảng vẫn bị tập khí lười biếng kéo lôi, nên mỗi lần được sách tấn như ngựa thấy bóng roi đã chạy, chúng con càng tinh tấn vượt qua, quyết chí tu hành tiến mãi không ngừng.
Hiện tại tuy không được gần bên Sư ông nhưng lời dạy thuở nào vẫn luôn văng vẳng bên tai. Sư ông khuyến khích sách tấn chúng con mỗi chiều trên băng đá, hỏi thăm sự tu đứa này, nhắc nhở việc học đứa kia, cốt làm sao cho chúng con tiêu mòn tập khí xấu dở, nhận ra con người chân thật chưa từng sanh chưa từng diệt sẵn có nơi mình để theo kịp bước chân của chư cổ đức.
Con nhớ mỗi chiều sau giờ xả thiền ra, Sư ông hay hỏi “Tụi con ngồi thiền có vui không? Kể Sư ông nghe coi.” Chúng con chỉ thầm thì nhỏ nhỏ “con đau chân gần chết, Sư ông ơi!” Mỗi ngày ba thời thiền dù chúng con bị đau chân, bị xây xát vì phải ngồi suốt hai giờ mỗi thời, vậy mà tinh thần tu của chúng con lúc nào cũng hăng say như mới vào đạo. Chúng con nghĩ mình phải ráng học theo gương tu hành quyết tử của chư thiền sư thuở xưa ở trong rừng núi. Nên luôn cố gắng, cố gắng không dám chểnh mảng. Giờ nào phải tu ra giờ đó, giờ ngồi thiền phải cho thật xứng đáng một giờ. Cho nên tuy thời gian đầu công tác nhiều, thân thể mệt nhọc chúng con vẫn không bỏ bê thời khóa, và luôn chấn chỉnh mình để không bị ma ngủ làm chủ.
Sư ông ơi! Thiền viện Trúc Lâm, được Sư ông coi là “lý tưởng tối hậu”, nơi Sư ông đặt bao kỳ vọng, vậy mà vì nhân duyên bệnh Sư ông lại phải rời xa. Chẳng khác như ông Trưởng giả phải đi xa để những người con sợ mất mà lo uống thuốc mới lành bệnh. Giờ đây, nhớ về Sư ông, bao hồi ức, bao cảm xúc dâng trào. Con biết, mình không thể bị nó chi phối, nhưng rồi nó cứ trào dâng, trào dâng thật khó mà ngăn được. Nhớ Sư ông, con nguyện càng cố gắng hơn. Con nghĩ, để đền đáp ân to lớn này, không gì bằng làm theo lời Sư ông chỉ dạy.
Những năm tháng trôi đi, Sư ông mang hình ảnh của người lái đò trong sắc màu giải thoát, đưa chúng con những tâm hồn đang tìm nơi định hướng sang sông. Vì tương lai Phật pháp và tương lai chúng con Sư ông đã đem hết tinh hoa để truyền dạy. Chúng con nguyện khắc ghi và thực hành theo, từ đây và mãi mãi về sau chúng con phải tự bước trên đôi chân của chính mình, tự chấn chỉnh sự tu hành mỗi khi thối tâm nản chí. Chúng con nguyện nổ lực tu hành để mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chúng con mỏng mòn tập khí, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chúng con về gần đến nhà hơn.
Con kính dâng
Linh Nguyệt.