Nhớ Sư Ông

Cung kính đảnh lễ, kính mừng Sư ông đại thọ bách tuế.

Ngưỡng bạch Sư ông, thấm thoát đã hai mươi năm con rời xa Sư ông, rời xa hai thầy và đại chúng Trúc Lâm Ni với vô vàn những kỉ niệm không thể nào quên.

Khi còn là một cô ni mới chập chững vào chùa, bắt đầu những buổi khuya thức dậy tụng thời công phu khuya với ngọn đèn dầu leo lét trong cái lạnh của núi đồi cao nguyên và những đêm chong đèn tập viết chữ Hán, con luôn có điều gì khắc khoải ưu tư về con đường mình đã chọn. Tuy vui với nếp sống nhà chùa nhưng vẫn len lỏi một khao khát được mở rộng tầm nhìn để thực được đi xa hơn, vững bước và tự tin hơn trên lộ trình xuất gia tầm đạo của mình.

Một buổi chiều, con được tặng một cái máy cát-sét nghe băng giảng màu đỏ, trong máy vỏn vẹn chỉ có một cái băng nhựa. Con liền mở ra nghe, con nghe một giọng nói rất lạ, làm con vô cùng cảm mến. Giọng trong vang nhẹ nhàng như tiếng chuông, chậm rãi từ tốn nhưng rõ ràng và hiền hoà ấm áp. Âm thanh và lời giảng làm con ngỡ ngàng và thấy như quen thuộc mặc dầu con chỉ mới nghe lần đầu. Con rất thích nghe và dường như bị cuốn hút. Hình như có gì đó bảo con “Hãy đi tìm!”. Sau khi tìm hiểu, con được biết người giảng trong băng là Hoà thượng Thanh Từ, đó là lần đầu tiên con được nghe đến pháp hiệu của Sư ông .

Năm 1992, con về một chùa ni ở Long Thành, Đồng Nai để thọ giới Sa Di Ni và nhập chúng tu học. Một hôm, con tìm thấy trên kệ sách có một quyển sách nhỏ tựa là “Luận Tối Thượng Thừa’’, dịch giả là Thích Thanh Từ. Con giật minh, cảm giác duyên lành đến với con lần thứ hai, con đọc như uống từng dòng chữ. Con mang quyển sách để đầu nằm, đọc đi đọc lại một cách thành kính và thích thú.

Rồi một ngày đẹp trời, con được theo sư phụ đến núi Vũng Tàu, lên Chân Không thăm viếng đảnh lễ Hoà thượng Thanh Từ. Từ trên xe con rất vui mừng xen lẫn hồi hộp, vì sắp được tận mắt nhìn thấy người mình hằng kính quý.

 Khi được vào đảnh lễ Sư ông, thời gian rất ngắn, Sư ông có chỉ dạy vài lời nhưng con không nhớ rõ, vì con tranh thủ quan sát thật kỹ dung mạo của Người, con sợ sẽ không còn dịp như thế nữa. Đó là duyên lành lần thứ ba, con được đảnh lễ vị Hoà thượng mà con nghĩ là cao quý trên thế gian, người mà trước đó mình chỉ được nghe tiếng qua cái máy cát-sét và đọc lời giảng dạy trong một cuốn sách nhỏ.

Một buổi sáng, có một cô Phật tử người Đà Lạt về thăm sư phụ, con nghe cô nói với sư phụ là Hoà thượng Thanh Từ đang bắt đầu xây dựng thiền viện Trúc Lâm trên núi ở Đà Lạt, làm nơi chuyên tu thiền cho Tăng và Ni với đường lối và nội quy rất nghiêm mật, nghe nói không dễ được vào. Hoà thượng tuyển chọn người đã từng có thời gian tu tập ở các thiền viện hoặc trải qua các trường Phật học và phải là người có chí quyết tử, cắt hết các duyên một bề tu đến sáng đạo mới thôi.

Con làm thị giả Sư phụ nên tò mò quanh quẩn gần để nghe hết câu chuyện. Trong tâm con có sự thôi thúc, ước gì mình được vào thiền viện Trúc Lâm đó để tu thiền, nhưng con cũng tự biết mình không có phần, thứ nhất là con không phải xuất thân và được chỉ dạy tu thiền từ các thiền viện của Sư ông, thứ hai là con biết mình căn cơ thấp kém, chỉ có những vị tăng ni xuất cách và tu học giỏi lắm mới được chọn vào. Nghe nói Hoà thượng sẽ tuyển chọn bên Tăng 50 vị, bên Ni 50 vị. Tuy vậy, tâm con đã bắt đầu thường nghĩ tưởng đến thiền viện Trúc Lâm.

Đà Lạt là nơi con được sinh ra và lớn lên bên những con dốc, những đồi núi thông xanh chập chùng, những buổi sáng sương mù và những chiều hoàng hôn tuyệt đẹp. Con nhớ tiếng Đại hồng chung ngân vang trong ngôi làng nhỏ mỗi canh khuya thanh vắng. Bỗng nhiên con muốn trở về Đà Lạt, con muốn trở về để được gần thiền viện Trúc Lâm.

Năm 1994 có chuyển biến trong đời tu của con, sau khi được thọ giới Thức Xoa Ma Na, trở về chùa con lại xin sư phụ cho phép con không ăn chiều và thay vào đó con tập tọa thiền, mặc dù con chưa nắm rõ phương pháp tọa thiền, con chỉ ngồi để tâm được yên lặng. Con thầm tự nhủ là ráng tu giống như ở Trúc Lâm. Rồi một ngày con đảnh lễ sư phụ và rời xa ngôi chùa êm đềm Tuần Chính để quyết tâm tìm Sư ông xin vào Trúc Lâm tu học.

Lần đảnh lễ xin Sư ông tại Thường Chiếu do thầy Thông Giáo giúp dẫn con vào, Sư ông đã từ chối và nói rằng trên đó đã đủ người rồi.

Con trở về Đà Lạt, tạm tá túc tại gia đình để ngày đêm hướng về Sư ông, hướng về thiền viện cầu xin duyên lành cho con được nhận vào thiền viện Trúc Lâm. Tuy về nhà bên Mẹ và các anh em nhưng con như chim lạc bầy, bơ vơ khốn khổ trong lớp áo tu hành mà sống với gia đình thì sao gọi là xuất gia. Mẹ con động viên tinh thần khuyên con hãy kiên nhẫn. Con xem kinh, học luật, tập ngồi thiền và âm thầm cầu nguyện Phật, Bồ-tát gia hộ cho ước nguyện của con sớm được thành tựu. Hơn hai tháng trôi qua, ngày mong chờ đã đến, Sư ông đi nước ngoài đã trở về, con vội vã vào thiền viện xin được đảnh lễ Sư ông.

Quỳ dưới chân Sư ông, hai hàng nước mắt con tuôn trào, con tủi cho thân phận mình không thầy gửi gắm, không có bằng cấp Phật học, không được xuất thân từ các thiền viện. Con thưa Sư ông rằng: “Xin Hoà thượng từ bi nhận con, cho con được vào tá túc ngoài hành lang cũng được.”

Sư ông dạy rằng: “Không được, như vậy là không lục hoà. Nội viện Ni hiện giờ không có đơn trống, con là người Đà Lạt phải không?

Con thưa: “Dạ, phải!”

Sư ông dạy: “Con để lại tên và địa chỉ nơi thầy tri khách.”

Thế là con trở về nhà, vẫn chưa vào được Nội viện Ni.

Sau đó con bắt đầu xin phép tham dự thính pháp mỗi nửa tháng một lần tại Tham Vấn Đường. Nhìn Ni chúng từ Nội viện xếp hàng xuất hiện từ cổng ra ngoại viện để học, con cảm thấy sao những vị này may mắn và hạnh phúc quá.

Sau ba lần kiên nhẫn vào đảnh lễ xin Sư ông, lần này con mạnh dạn thưa thật rằng:

“Kính bạch Hoà thượng, con nhận thấy nơi này được thật tu và thật học, tu học như thế mới thật là có ý nghĩa, là người xuất gia mà về nương náu gia đình con thật là khổ tâm. Xin Hoà thượng cho con biết con thiếu duyên lành nào để con phấn đấu, hay con trở về chùa lạy thầy con, tha thiết xin thầy con đưa con đến để được Hoà thượng nhận con.”

Sư ông nói: “Không cần, bây giờ Thầy cho con xuống Hương Vân”.

Con lặng người không biết Hương Vân là gì và ở đâu ?!

Vâng lời dạy, con theo thầy tri khách hướng dẫn đến tu học tại Hương Vân. Tại đây con được học cách tọa thiền và làm quen với nếp sinh hoạt tại thiền viện. Hai tháng rưỡi sau, một buổi sáng tinh mơ, thầy Tri khách lái xe vào Hương Vân và cho hay Nội viện Ni hiện đang trống một chỗ, Sư ông cho con vào để nhập chúng. Con mừng khôn xiết và mang ơn Sư ông không gì có thể tả được.

Gần mười năm tu học tại thiền viện Trúc Lâm, có một kỉ niệm đáng nhớ. Khi ngồi viết những dòng chữ này, con xin thành tâm sám hối lỗi lầm của con đối với Sư ông. Vì khi nghe tin được Sư ông nhận rồi, con vội vã thu xếp về thẳng nhà, để khoe với mẹ là con đã được Sư ông nhận rồi, lúc đó chưa có dùng điện thoại như bây giờ. Mẹ con rất vui mừng đến trước bàn thờ thắp nhang tạ ơn Phật. Con ở lại nhà vài hôm, trong tâm nghĩ là để tạm biệt mẹ và các em, vì vào Trúc Lâm lần này là quyết tử tu, không biết chừng nào mới gặp lại. Một buổi sáng, Ni sư Hạnh Như hỏi địa chỉ tìm đến nhà con mang theo một mẫu giấy chính chữ Sư ông viết: “Con nói với Đạo là nếu nó không vào ngay thì Thầy sẽ dành chỗ cho người khác”. Con khiếp sợ nhanh chóng từ biệt mẹ, chỉ với chiếc giỏ có vài bộ đồ, một quyển luật Sa Di và Thức Xoa bằng chữ Hán, một cái y, leo lên xe máy ni sư Hương Vân chở con thẳng vào Trúc Lâm. Đắp y đảnh lễ quỳ dưới chân Sư ông, con nghe Sư ông quở nhẹ: “Sư ông tưởng con tha thiết, khi được cho vào đây là con vào liền, vậy mà mấy ngày rồi không thấy con vào”. Con dập đầu sám hối Sư ông.

Con bắt đầu nhập chúng tu học, ước nguyện đã thành, con chuyên nhất một bề tu tập theo thanh quy và những gì con được học hỏi từng ngày. Trúc Lâm Ni những ngày tháng đó thật không thể nào quên được, đó là giai đoạn vàng trong đời tu của con. Chúng con được Sư ông chống gậy vào thăm mỗi buổi sáng khuyên nhắc tu học, mỗi buổi chiều sau khi xả thiền, chúng con vui mừng lại được đứng xúm xít quanh ghế đá, nghe Sư ông hỏi thăm, chỉ dạy sách tấn. Đặc biệt vào Nội viện ni con có hai Thầy chỉ dạy, có rất nhiều sư cô siêng tu siêng làm, con đã được học hỏi rất nhiều. Sống theo nếp sống thiền môn nên con rất vui thích, chúng con không có giữ đồng xu nào, mọi thứ Sư ông lo hết, không có duyên sự gì thì không được về thăm nhà, không ra khỏi cổng nội viện trừ những ngày tham vấn nửa tháng một lần, không điện thoại, không được phép đọc tin tức báo chí, sống nếp lục hoà, không được đặc biệt kết thân với ai. Thời khoá và thanh quy Sư ông đề ra lúc đó là khuôn vàng thước ngọc để chúng con không bận tâm lo nghĩ điều gì, chỉ một bề nỗ lực tiến tu.

Mỗi ngày Ni chúng ngồi thiền 3 thời, mỗi thời 2 tiếng, ngồi kiết già, con an lạc cũng có mà đau chân cũng tột cùng, nhưng vì trên có Sư ông mỗi ngày sách tấn, kế có thầy Chánh oai nghiêm và từ bi theo sát Ni chúng chỉ dạy từng ly từng tí. Lại có thêm thầy Phó làm gương cho chúng con về sự nhanh nhẹn, hy sinh xả thân vì đại chúng, nghiêm túc, siêng năng trong công tác và đặc biệt là không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Thầy Phó rất nhiều tài, thể hiện trong những việc thầy làm, từ tạo vườn thiền, xây dựng, nấu ăn cho đến giảng dạy…, con tự hỏi sao Thầy trẻ mà giỏi thế? Tuy ngưỡng mộ nhưng vẻ ngoài thầy rất nghiêm, chỉ riêng có ánh mắt thì hiền và thoáng buồn nhẹ. Hai thầy rất vất vả trong vai trò lèo lái con tàu Trúc Lâm Ni đi đúng đường lối và hoài bảo lý tưởng của Sư ông. Bây giờ thì con đã hiểu, đó là một trách nhiệm không dễ gì đảm đương.

Giờ tọa thiền chúng con được hai thầy, có vài lúc là cô tri sự giám thiền. Những tiếng thiền bảng “Bốp! Bốp!” vang trong thiền đường đuổi con ma ngủ cho chúng con giật mình tỉnh thức. Con rất nhớ những lúc được thầy Chánh đi giám thiền, tiếng mở cửa rất nhẹ và bước chân của Thầy hầu như không nghe thấy, nhưng những tiếng thiền bảng “bốp!” của Thầy nghe gọn mạnh, dứt khoát và có một uy lực làm cả thiền đường đều tỉnh thức.

Sư ông đã mở thiền viện dạy tu thiền theo đường lối Thiền tông Việt Nam, do sơ tổ Điều Ngự Giác Hoàng khai sáng và Sư ông có công khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm Yên tử này vào cuối thế kỉ 20. Chúng con được Sư ông giảng dạy kỹ về chư tổ thiền sư Việt Nam, các tác phẩm của các thiền sư đời Lý Trần. Thời gian đầu con được học Khoá Hư Lục của vua Trần Thái Tông, con rất cảm kích và ngưỡng mộ những bậc tiền bối. Vào đây tu học con mới biết Việt Nam mình có vua Trần Nhân Tông là một ông vua anh minh đời Trần, sau hai lần chiến thắng đội quân Nguyên Mông giữ gìn giang sơn bờ cõi, ngài giao ngai vàng lại cho con, giũ bỏ đời sống nhung lụa của một ông hoàng, mặc áo thô lên núi Yên tử xuất gia tu hành, đắc đạo dựng lên một dòng thiền Việt Nam, kết hợp ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. Sư ông thường nói “Xưa ở Ấn Độ có thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ cung vàng điện ngọc xuất gia tầm đạo trở thành một vị Phật giác ngộ, Việt Nam mình cũng có một ông vua coi ngai vàng như dép rách lên núi tu hành đắc đạo. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc và ngay nơi đất nước mình cũng có Tổ, đâu cần đi đâu để tìm kiếm. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cho đến ngày nay, đã phát huy sức sống thiền ngày càng mạnh mẽ và lan rộng khắp trong nước cho đến nước ngoài.

Hôm đó, đại chúng hai bên Tăng và Ni rất vui mừng đón Sư ông đi hoằng pháp ở Úc về. Sư ông về, Thầy Chánh cũng về, đại chúng Trúc Lâm Ni cảm thấy rất ấm áp.  Một buổi tối, con được gọi xuống thất hai thầy, quỳ dưới chân thầy Chánh, con ngỡ ngàng nghe Thầy từ tốn nói :“Con chuẩn bị đi Úc, qua đó hướng dẫn Phật tử tu thiền. Con đừng lo sợ, Sư ông dạy con phải vâng lời, Tăng sai con phải thừa lệnh. Hai thầy sẽ chuẩn bị tinh thần và mọi thứ cho con đi.”

Con khóc và xin Thầy cho con ở lại thêm ba năm nữa, nhưng Thầy ôn tồn khuyên bảo con phải cố gắng.

Con và Linh Xuân ra đảnh lễ Sư ông và quỳ nghe Sư ông chỉ dạy. Con vừa khóc vừa nghe Sư ông dạy từng chi tiết. Băng cát-sét con vẫn còn giữ, những lời chỉ dạy của Sư ông như một bảo vật.

Cuối năm 2002, thầy Phó đưa hai đứa con đi, sắp xếp mọi việc tạm ổn và dặn dò động viên xong, thầy trở về Trúc Lâm. Chúng con bắt đầu sinh hoạt mỗi tuần, hướng dẫn Phật tử tu thiền mỗi Chủ Nhật tại căn nhà do một chú Phật tử phát tâm cúng dường cho Sư ông, Thiền tự Tiêu Dao ra đời kể từ đó. Con bắt đầu giảng Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỉ 20 và Kinh Thập Thiện do Sư ông biên soạn.

Sư ông nhập thất, ba tháng trôi qua, sóng gió bắt đầu xuất hiện, tâm của người cúng dường đã thay đổi, chúng con gọi về trình và từ trong thất, Sư ông cho thầy Thư ký gửi điện thư, dạy chúng con trả lại căn nhà cho chủ cũ.

Hai thầy vẫn tiếp tục theo dõi mọi diễn biến bên này để Sư ông yên tâm nhập thất. Phật tử tu thiền theo Sư ông viết thỉnh nguyện thư gửi về Trúc Lâm, tha thiết xin Sư ông cho chúng con ở lại thêm để hướng dẫn họ tiếp tục tu học. Sư ông ra chỉ thị, nếu trong hai năm mua được hẳn căn nhà để lập chùa thì Sư ông cho ở lại, nếu đi thuê nhà thì Sư ông kêu về, vì tụi con ở xa bên này Sư ông không bảo bọc được. Viết đến đây, con xin hướng về Sư ông đê đầu đảnh lễ, lòng từ bi của Sư ông là vô bờ, tuy đã nhập thất, Sư ông cũng không hề bỏ rơi chúng con.

Thầy Chánh theo dõi mọi hành trình, dạy chúng con tạm về tá túc gia đình thầy Kiến Tâm. Đó là căn hộ của cô Hiền Tịnh và chủng tử là Chơn Hải. Đây là những vị Phật tử thuần thành của Sư ông thời ở Chơn Không. Hai chị em con về tạm ở nơi đây Sư ông và hai thầy mới yên tâm. Chúng con vâng lời, Tiêu Dao tạm dời về đây và tiếp tục hướng dẫn Phật tử tu học mỗi Chủ Nhật. Gia đình này đã cưu mang chúng con như quyến thuộc lâu đời gặp lại.

Hai mươi năm đã trôi qua, Tiêu Dao ngày nay vẫn ghi khắc những buổi đầu cưu mang cũng như sự trung thành, tận tụy của gia đình thầy Kiến Tâm, cô Hiền Tịnh đối với Sư ông nói chung và Tiêu Dao nói riêng.

Thời gian xảy ra nhiều biến cố này thầy Phó đang ở Mỹ, và sóng gió cùng lúc xảy ra, nhiều vấn đề rắc rối mà Thầy cũng phải đương đầu. Không ai lường được lòng người, nên người xưa có câu rằng “Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Thầy trò chúng con lúc đó lâm vào hoàn cảnh phải tự xoay sở để sinh tồn. Để giữ lại Tiêu Dao tại nước Úc, từ bên Mỹ, thầy Phó động viên tinh thần, an ủi chúng con phải kiên cường vượt qua sóng gió. Tại Việt Nam, thầy Chánh theo dõi mọi sinh hoạt, viết thư thăm hỏi, khuyên dạy chúng con kiên nhẫn và mạnh mẽ, quyết tâm tự mình dựng lại ngôi nhà Tiêu Dao. Thầy Phó thường nói: “Tiêu Dao không thể chết đi, chỉ cần nương đức Sư ông, giữ gìn quy củ của Trúc Lâm, thầy trò mình bây giờ với hai bàn tay trắng, dựng lại Tiêu Dao.” Nhờ tinh thần thầy Phó lạc quan và mạnh mẽ, thầy Chánh cũng tin tưởng nên chúng con hạ quyết tâm. Tuy không có một đồng trong tay, chưa có giấy tờ được thường trú, chúng con vẫn ráo riết tìm nhà để mua lập chùa. Sau hơn 3 tháng, cuối cùng căn nhà số 5 Rolex được chọn, một buổi tối tại tư gia cô Hiền Tịnh con đứng ra chủ tọa một buổi họp. Con trình bày về căn nhà và hỏi tất cả Phật tử có nên mua không? Tất cả đều giơ tay biểu quyết mua để Tiêu Dao chính thức được có nơi sinh hoạt. Con nói quý cô không có tiền, Phật tử tin tưởng thì cho mượn, mỗi vị giơ tay, người 15 ngàn, 10 ngàn, 20 ngàn, 5 ngàn…. chỉ chưa đầy nửa giờ, số tiền trên 200 ngàn đô Úc mua căn nhà đã được mượn đủ. Chúng con mua căn nhà đầu tiên này bằng tiền mặt.

Hai năm sau, con trở về Trúc Lâm đảnh lễ Sư ông, thăm hai thầy và đại chúng. Con còn nhớ Sư ông nhìn con nói: “Đi nước ngoài mà không lên cân hén!”, Sư ông cười hoan hỉ nói tiếp: “Con có duyên với nước Úc đó!”.

Sau ba năm, Tiêu Dao trả hết nợ. Điều này thật mầu nhiệm. Đó là nhờ ân đức cao vời của Sư ông che trùm, nên tuy ở đất khách quê người, nhưng lòng chúng con luôn hướng về Sư ông. Mỗi lần Tết đến, mỗi khi An cư nhập hạ và Tự tứ, chúng con đều được Sư ông chỉ dạy qua điện thoại.

Con có thường trú rồi nhập quốc tịch Úc, ở lại Úc một mình, tiếp tục duy trì và phát triển Tiêu Dao. Những gì học được từ Trúc Lâm, học được từ sự giáo dưỡng của Sư ông, được tắm mình trong sữa pháp của Sư ông, được định hướng theo đường lối thiền tông mà Sư ông đã dày công gầy dựng lại, đã giúp con vượt qua bao năm dài một mình đương đầu với nhiều gian nan trắc trở. Nghe lời Sư ông, con vẫn duy trì thời khoá tu tập và hướng dẫn Phật tử hằng tuần.

Tiêu Dao mua thêm căn nhà kế tiếp để đủ chỗ cho Phật tử sinh hoạt và mở khoá tu. Tuy nhiên vì địa điểm không thích hợp, gặp trở ngại về việc không xin được giấy phép sinh hoạt tôn giáo, Tiêu Dao phải đóng cửa ngưng sinh hoạt. Con gọi về trình rõ khó khăn và được hai thầy chấp thuận bán hai căn nhà đang bị đóng cửa, ngưng hoạt động vì hàng xóm thưa kiện vấn đề đậu xe của Phật tử. Con thường nhập thất trong giai đoạn này, đồng thời đi tìm địa điểm để mua chỗ mới, trải qua hai năm ráo riết tìm kiếm mà vẫn chưa tìm được nơi thích hợp.

Năm 2012, Sư ông nghĩ dưỡng vì tuổi đã cao và thân có bệnh. Những năm đi về Long Thành-Đà Lạt để chăm sóc Sư ông và chỉ dạy đại chúng, đến năm 2015 thầy Chánh cũng ra đi. Tất cả đều xảy ra như một cuốn phim với những điều không ngờ vẫn tiếp diễn. Con đau buồn và cảm thấy hụt hẫng. 

Sau 49 ngày ở lại Trúc Lâm để thọ tang Ni trưởng, vị Thầy đáng kính mà uy đức và lòng từ bi, Ni chúng Trúc Lâm chúng con không thể nào quên được. Quỳ trước tháp Thầy, con nguyện giác linh Thầy từ bi gia hộ cho con trở về Úc, tìm mua được địa điểm mới để Tiêu Dao sống lại một lần nữa, phát triển Thiền tông Việt Nam tại đất Úc, đem lại lợi ích cho Phật tử Việt Nam có duyên tu thiền.

Trở về Melbourne, mấy tháng sau Tiêu Dao bán được hai căn nhà, vay thêm ngân hàng và tìm mua được địa điểm mới, một nơi thoáng rộng, yên tĩnh cách dọc bờ biển 7 phút lái xe, vị trí không xa khu người Việt, lại nằm trong trung tâm thành phố nên rất thuận lợi về mọi mặt. Căn nhà số 71-77 Pietro Road, Heatherton được mua với giá 1 triệu 700 ngàn đô Úc vào tháng 11 năm 2016. Đến năm 2019, Tiêu Dao chính thức được Chính phủ Úc cấp giấy phép sinh hoạt tôn giáo.

Thiền viện Trúc Lâm Tiêu Dao lại một lần nữa hình thành và thật sự bước sang một bước ngoặc mới.

Kính bạch Sư ông, tuy cố gắng hết sức, thầy trò con vẫn chỉ có thể làm được bấy nhiêu. Điều đáng tiếc nhất là Tiêu Dao bé nhỏ ở xứ người, chưa một lần được đón bước chân Sư ông. Con nhớ Sư ông đặt cho cái tên Tiêu Dao và giải thích đó là tên của một vị thiền sư và cũng mang ý nghĩa là thảnh thơi tự tại, với nguyện vọng là Phật tử ở nước ngoài bận rộn và căng thẳng với công việc, về đây tu tập để lòng được nhẹ nhàng thảnh thơi. Con đã lấy điều này để làm kim chỉ nam hướng dẫn Phật tử và phát triển Tiêu Dao. Thảnh thơi không có nghĩa là buông xuôi không làm gì, tự tại là trong tất cả thời, trước mọi thuận nghịch mà lòng vẫn an nhiên. Muốn được như thế, là phải học theo công hạnh của Sư ông, vì chúng sanh mà làm, vì đạo pháp mà dấn thân, lấy trí tuệ soi đường, dùng từ bi mà cảm hoá tha nhân, nêu cao đuốc tuệ, giữ lòng trong sạch an nhàn.

 Một điều con không thể nào quên đã trở thành bổn phận, đó là ơn lớn của Sư ông. Sư ông đã sinh con ra trong ngôi nhà Thiền tông Việt Nam, Sư ông tiếp nhận con như ông đại trưởng giả đón nhận một kẻ nghèo hèn bơ vơ lạc mất lối về. Con đã lớn lên từng ngày trong sự giáo dưỡng của Sư ông.

Sư ông hỡi ơn người cao vời vợi

Tâm sức hùng nêu yếu chỉ phân minh

Đỉnh Phụng Hoàng vang lại khúc vô sanh

Công giáo dưỡng tâm lão bà tha thiết

Bài an tâm! Ai thật người thấu triệt

Vọng khởi từ đâu?

Thường biết!

Dứt mê lầm.

Kính bạch Sư ông, con xin nguyện đời đời được dự phần trong pháp hội của Sư ông, tu học theo sự chỉ dạy của Sư ông để một ngày nhận lại kho báu nhà mình. Con biết rõ, được làm con cháu của Sư ông là rất đáng tự hào vì Sư ông là tấm gương sáng ngời không tì vết. Đời con chẳng còn đi tìm kiếm gì thêm nữa, một chữ buông xuống và tỉnh thức cả đời dùng hoài không hết. Mai kia dù có gặp trăm ngàn gian nan thử thách, con vẫn vững một lòng tin tưởng vào phúc lành từ ân đức che trùm của Sư ông. Nếu có ai đó tự vỗ ngực cho rằng đã chứng thánh, hay bay lên trời lặn xuống biển gì gì đi nữa, đối với con, vẻ hiền từ, sự chân thật, trí tuệ cao thâm và oai đức của bậc trượng phu một đời vì đạo pháp và dân tộc như Sư ông là tất cả. Con như kẻ nghèo đã tin mình giàu có, như người mê được đánh thức, kẻ lạc lối trong sa mạc khổ đau của luân hồi đã có lối thoát. Con tin tuyệt đối vào giáo pháp Sư ông chỉ dạy, con thường xuyên đọc lại sách Sư ông, nghe giọng nói của Sư ông qua băng giảng, suy nghiệm và thực hành, con thấy lợi ích vô cùng.

Con trở về thăm lại chốn xưa, cảnh cũ còn đây người cũ đã vắng bóng. Trúc Lâm không còn nghe tiếng gậy của Sư ông vang lên mỗi buổi sáng chiều. Tìm đâu ra bóng áo vàng và chiếc nón lá rộng vành thấp thoáng giữa tùng xanh và sắc tím của hoa sim. Bài học vô thường nghe Sư ông nhắc mãi mà sao con vẫn thấy buồn nhớ tiếc.

Sư ông là hiện thân của trí tuệ và từ bi, của sự chuẩn mực về đạo đức. Người ở trên cao là bậc thầy của hàng triệu tăng ni và Phật tử, sao chúng con vẫn thấy rất gần. Cuộc đời Sư ông thật đẹp, những gì Sư ông để lại là vô giá đối với con, Sư ông là tất cả những gì con cần học hỏi và noi theo.

Đền ơn Sư ông, con cố gắng duy trì và phát triển Tiêu Dao, ngôi nhà thiền tông của Sư ông nơi xứ Úc, để ai đến đây lòng cũng sẽ được nhẹ nhàng thảnh thơi. Thấy vọng tưởng, biết ông chủ, nhận lại chân tâm từ sáu căn của mình, cho phiền não hoá bồ đề, muôn duyên buông hết một thân nhàn, còn gì vui sướng hơn.

Kính mừng bách tuế Sư ông, con kính nguyện Sư ông tứ đại nhu hoà, thọ mạng lâu dài, pháp thể khinh an.

Con xin nguyện vì Sư ông mà phụng sự Tam Bảo nơi xứ người, nguồn động viên và điểm tựa tinh thần của con bây giờ là Sư ông là Trúc Lâm. Thương Sư ông con sẽ cố gắng làm được chút gì để duy trì và phát triển Tiêu Dao, để không cô phụ công ơn giáo dưỡng Sư ông.

Lâm Huyền Đạo

Melbourne tháng 10 năm 2022

Lên đầu trang