Ân Thầy

Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh, nhớ lại những ngày đầu năm 1999, do lòng mến mộ Phật pháp, muốn tu tập theo Thiền tông Việt Nam do Hòa thượng Ân sư chỉ dạy, nhưng ở quận Cam nói riêng và trên đất Mỹ nói chung chưa có thiền viện tu theo tông chỉ của Ngài. Với lòng tín thành, tha thiết muốn được cùng nhau tu tập theo con đường thiền tông nên bốn huynh đệ: Huệ Thường, Huệ Nguyện, Huệ Thuần và Huệ Tài đã hùn tịnh tài mua một căn nhà nhỏ ở Chapman Ave., Garden Grove, CA để tu tập và phát hành kinh sách, băng giảng của Hòa thượng Ân sư. Tiếng lành đồn xa, sau một thời gian Phật tử về tu tập, thỉnh băng, kinh, sách ngày càng đông. Chúng con đã xin Hòa thượng cho phép dựng lập thiền thất làm cơ sở để cùng nhau tu thiền và hướng dẫn Phật tử cùng tu. Hòa thượng Ân sư đã từ bi hứa khả và ban hiệu là thiền thất Ngọc Chiếu.

Sự ra đời của thiền thất Ngọc Chiếu như là sự tiếp nối ánh lửa thiền từ các “Chiếu” ở Việt Nam sang Mỹ. Với sức vóc nhỏ nhoi Ngọc Chiếu đã góp chút phần trong bước đầu Hòa thượng Ân sư gầy dựng, mở mang thiền tông Việt Nam ở hải ngoại.

Năm 2000, Ân sư qua Mỹ lần thứ 2, từ ngày 13 tháng 10 đến 23 tháng 11 với 3 mục đích:

1. Khánh thành thiền viện Quang Chiếu ở tiểu bang Texas.

2. Thuyết giảng theo sự thỉnh mời của Phật tử.

3. Góp tiếng nói cứu giúp nạn nhân bão lụt miền Trung.

Chuyến đi lần hai này, Hòa thượng đi 18 chỗ, đến nhiều tiểu bang để giảng dạy Phật pháp. Thời gian này tuy đã có rất nhiều người kính mộ nên quy y và một số vị đã phát tâm xuất gia, thọ giới với Ân sư nhưng cũng còn rất nhiều người chưa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như ý chí xuất trần thượng sĩ của Ngài do vậy chuyến đi này đã gặp nhiều sự chống đối, biểu tình, rải truyền đơn… tuyên truyền Hòa thượng là sư quốc doanh, quyên tiền để làm giàu cho chính mình vv…Nhìn một bậc chân tu đức hạnh bị biển đời vùi dập, miệng đời thị phi đủ kiểu chúng con đau xót vô cùng nhưng với tinh thần vô úy, tấm lòng từ bi vô lượng, Ân sư vẫn như nhiên vượt qua mọi thử thách gian nan.

Chuyến đi này tuy gặp nhiều trắc trở nhưng qua những buổi thuyết giảng, tiếng trống pháp càng vang xa, Hòa thượng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, tốt đẹp cho Phật tử và cộng động người Việt ở hải ngoại. Nhất là khi phóng viên đài truyền hình Little Saigon thuộc quận Cam, bang California phỏng vấn, tập trung vào 12 nội dung, Ân sư đã tuần tự trả lời, giải thích khiến cho mọi vấn đề hiểu lầm, xuyên tạc đều được sáng tỏ. Trong đó có câu hỏi “Hòa thượng có thái độ thế nào khi có sự chống đối từ cử tọa nơi Ngài thuyết giảng?”, Hòa thượng đã có câu trả lời: “Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Nếu có ai phản đối tôi thì tôi chỉ coi đây là những người bạn chưa thông cảm”. Có lẽ không chỉ riêng chúng con mà với tất cả những ai đã nghe, sống và càng trải nghiệm mới thấy được những lời Ân sư dạy đạo đức thâm sâu biết chừng nào. Lời nói chỉ đơn giản vậy thôi, mà lại sâu xa, quý giá vô cùng, khiến cho mọi người cảm phục và hiểu được đường hướng tu tập, sự chỉ dẫn tăng ni và Phật tử của Ngài chỉ thuần nhất theo đúng chánh pháp không pha trộn thị phi thế tục.

Tại thiền thất Ngọc Chiếu, phóng viên Đinh Quang Anh Thái biên tập viên báo Ký Con đã phỏng vấn Hòa thượng Ân sư. Buổi phỏng vấn được đưa lên mạng truyền thông toàn cầu.

Theo ý của Ân sư, các buổi phỏng vấn là cơ hội tốt để Ngài có cơ hội nói lên tâm tư và lập trường của mình:

1. Học hiểu giáo lý Phật pháp cho tường tận.

2. Sau khi hiểu được giáo lý ứng dụng tu cho đến nơi đến chốn.

3. Khi hiểu và tu được rồi, đem giảng dạy cho Tăng, Ni và Phật tử cùng tu.

Các buổi phỏng vấn đó đã giải tỏa được những nghi ngờ, thị phi về quan điểm của Ân sư: Cả đời Ngài trước sau không tham gia chính trị. Hòa thượng khẳng định ở thời điểm nào, chế độ nào Ngài cũng là tu sĩ Phật giáo chân chánh và là một người dân. Hòa thượng đã nêu rõ lập trường, đường lối tu hành cũng như bản nguyện bất di bất dịch cho suốt cuộc đời hoằng truyền Phật pháp của Ngài. Đây là tấm gương sáng cho hàng hậu học chúng con, đã là người xuất gia dù ở bất cứ phương trời nào đều phải lấy lý tưởng giác ngộ giải thoát làm đầu. Nếu có duyên hướng dẫn mọi người cũng phải thuần túy chỉ bày chân lý Phật dạy, cho người nghe được thức tỉnh tu hành thoát khổ, chứ không pha tạp chuyện hơn thua, được mất… của thế gian.

Nhìn thấy Ân sư đối diện với chướng duyên, nghịch cảnh mà vẫn ung dung tự tại đi giữa vòng tay thương kính của những người con Phật, với tâm lặng lẽ chẳng hề móng khởi nghĩ suy tìm phương đối phó mà chỉ một bề làm tròn bổn nguyện, rót dòng sữa pháp ngọt ngào của Phật Tổ cho hàng Phật tử đang khát khao tìm về. Chúng con mới thấy rõ lòng từ bi, công đức Ngài quá lớn và chỗ diệu dụng sâu mầu của Phật pháp đã cảm hóa bao người lạc lối. Những lời nói, hành động của Ngài là những bài học, là những lời khai thị thiết thực, là hành trang vô cùng quý giá mà chúng con mang theo suốt cả cuộc đời hành đạo của mình.

Thiền thất Ngọc Chiếu là hội không hưởng lợi tức (non profit organization), có đủ điều kiện bảo lãnh tăng, ni từ Việt Nam qua Mỹ làm Phật sự nên chúng con đã làm giấy tờ bảo lãnh thầy Tuệ Giác và thầy Tuệ Tĩnh qua Mỹ. Duyên lành từ đó, thiền viện Đại Đăng được thành lập năm 2001 dưới sự chấp thuận và chứng minh của Hòa thượng Ân sư.

Năm 2001, Ban sáng lập đã dâng cúng thiền thất Ngọc Chiếu cho Ân sư. Ngài nhận và đổi tên là thiền tự Ngọc Chiếu. Ân sư đã chỉ định Ni trưởng Như Tâm và Ni sư Hạnh Diệu (thiền viện Trúc Lâm Ni) chịu trách nhiệm quản lý và điều hành thiền tự Ngọc Chiếu. Nhưng do biển trần ai sóng xô dồn dập, lòng người mênh mông nhiều ẩn khuất khó dò khó hiểu, Ni sư Hạnh Diệu đã từ chức hội trưởng đương nhiệm, tia sáng hy vọng đã vụt tắt, cuối cùng thiền tự Ngọc Chiếu không đủ duyên lành để tồn tại.

Tuy đường đời gian nan, đường đạo cũng không kém phần vất vả, nhưng được tắm mình trong chánh pháp, được nghe lời sách tấn của Ân sư, mỗi ngày đều được sống trong an vui nên dù gặp cơn sóng dữ chúng con vẫn vững tay chèo. Năm 2003, chúng con Huệ Nguyện, Huệ Thuần, Huệ Tài đã không bỏ cuộc, quyết tâm gầy dựng cơ sở mới ở Fullerton, CA để tiếp tục dâng cúng cho Hòa thượng Ân sư. Ngài đổi tên mới là thiền viện Chân Giác, đồng thời cũng giao cho Trúc Lâm Ni quản lý như tâm nguyện trước sau của chúng con. Trúc Lâm Ni đã cho quý sư cô sang Mỹ để trực tiếp giảng dạy cho Ni chúng và Phật tử tại thiền viện Quang Chiếu và thiền viện Chân Giác (Ngọc Chiếu cũ). Chúng con rất mừng vui vì cuối cùng sau nhiều biến cố thiền viện ni ở vùng đất có nhiều người Việt sinh sống cũng đã hồi sinh. Chúng con hiểu ra, muốn làm một Phật sự cho vuông tròn thật không dễ dàng gì, phải trải qua bao gian nan, vất vả, nếu không có lòng tin, quyết tâm và sự dũng cảm vượt qua mọi thử thách thì khó mà thành tựu. Vì mến mộ thiền tông, vì lòng thương kính Ân sư, vì học theo gương hạnh của Ngài, chúng con sẽ cố gắng hết sức cho đến hơi thở cuối cùng, quyết đi theo con đường Ân sư đã khai mở.


Nhờ ân đức của Hòa thượng, về sau Phật tử đến thiền viện Chân Giác tu tập ngày càng đông. Cơ sở mới tuy có phần rộng rãi, khang trang hơn Ngọc Chiếu cũ nhưng vì nằm trong khu dân cư nên không được phép tụ tập đông người, sinh hoạt hàng tuần và các buổi lễ lớn bị trở ngại. Thiền viện không có đủ chỗ đậu xe, bị City cảnh cáo do đậu xe trái phép nên chúng con quyết định mua cơ sở mới rộng rãi hơn.

Vì nhu cầu tu học của Ni chúng và Phật tử, năm 2015 Chân Giác một lần nữa dời đến cơ sở lớn hơn ở vùng Orange County, 11442 Dale St. Garden Grove, CA 92841.

Thiền viện Chân Giác tuy nhỏ nhưng đã nhiều lần được vinh hạnh đón tiếp quý Hòa thượng, quý Ni trưởng và chư tăng, ni trong tông môn từ Việt Nam qua thăm viếng, làm lễ quy y, giảng dạy, tưới tẩm thêm lòng tin, sự tinh tấn trên con đường tu Phật của những người con xa xứ. Chúng con tuy tài hèn đức mọn nhưng vẫn luôn duy trì sinh hoạt, giảng dạy cho Phật tử mỗi tuần. Tuy khe suối không sánh nổi cùng đại dương nhưng sự góp nhặt nhỏ nhoi đó cũng có chút phần giúp cho mạch nguồn Thiền tông âm thầm tuôn chảy nơi vùng đất cũ mà mới này.

Chỉ có một điều đáng tiếc là khi thiền viện Chân Giác qua được những gian truân vất vả, mọi Phật sự dần được ổn định tốt đep, chúng con luôn mong mỏi được một lần cung đón Hòa thượng Ân sư nhưng do thời gian đó Ngài tuổi già sức yếu nên đã không được như nguyện.

Thiền viện Chân Giác có cơ may xuất hiện rất sớm trên đất Mỹ nhưng lại kém duyên lành như vậy. Nhưng chúng con cũng thấy mình quá may mắn hơn bao cùng tử còn đang lang thang chưa biết nơi đâu là chốn quay về. Được gặp Ân sư, được thọ nhận những lời chỉ dạy ân cần, cặn kẽ của Ngài để biết đường về nhà là duyên lành, là phúc báo tích tụ nhiều đời của chúng con. Nếu không có Ngài chúng con không biết mình sẽ trôi lăn đến nơi nào. Vậy nên mỗi nốt thăng trầm, khổ nhọc chúng con đã vượt qua được đều nhờ công đức giáo hóa của Ngài. Chúng con luôn tri ân bậc Tôn sư đáng kính và nguyện đời đời được theo Ân sư tu học cho đến ngày thành tựu viên mãn.

Thời gian trôi nhanh Hòa thượng Ân sư giờ đã bách niên, bổn phận hàng đệ tử nơi đất khách quê người chúng con luôn cố gắng thực hành theo những gì Hòa thượng đã dạy, tự mình tiến tu và dìu dắt những người hữu duyên, góp chút ít nhỏ nhoi vào việc thắp sáng ngọn đèn Thiền nơi hải ngoại để đền ơn thầy tổ trong muôn một.

Thiền sinh thiền viện Chân Giác.

Lên đầu trang