Ân Thầy

Thiền viện Quang Chiếu được thành hình là do một nhóm Phật tử ở Dallas Fort Worth, Texas nghe băng giảng, đọc sách của Thầy, phát tâm muốn mang thiền tông Việt Nam cũng như đường lối tu hành dưới sự chỉ dạy của Thầy ra nước ngoài.

Năm 2000, quý Phật tử trong Ban sáng lập chung góp công sức và tài chánh mua đất sửa sang các căn nhà cũ biến thành thiền viện để cho những Phật tử hâm mộ thiền có chỗ tu học. Khuôn viên thiền viện Quang Chiếu rộng khoảng hơn mười mẫu, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải nhìn xuống mặt đường. Quanh thiền viện được bao bọc bởi rừng cây sồi lớn, nhỏ tạo nên một khung cảnh êm đềm tĩnh mịch như chốn tòng lâm.

Đây là thiền viện đầu tiên theo dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được Thầy nhận sự hỷ cúng của Phật tử hải ngoại. Thầy đã giao cho Trúc Lâm ni quản lý và điều hành thiền viện Quang Chiếu. Và dạy con với Thuần Đạo, Thuần Châu về đây tu hành để phụ giúp công việc với các vị ni được Thầy đưa sang đây làm Phật sự. Thầy chỉ định Chị Thuần Đạo làm thư ký và con làm thủ bổn, Quang Chiếu đã trở thành quê hương gắn bó với con kể từ đó cho đến nay.

Vì là thiền viện mới, tất cả đều chỉ mới bắt đầu, Thầy dạy chư Ni phải thường xuyên thay nhau giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn thiền tập cho Phật tử người Việt và cả người nước ngoài. Lo cho những người trẻ sanh ra ở xứ người sẽ quên đi cội nguồn của mình, Thầy bảo chúng con tổ chức những lớp dạy tiếng Việt cho các cháu. Nhờ sự đóng góp hết sức hết mình của đội ngũ giáo viên Phật tử và sự cố gắng học tập của các cháu mà giờ đây đã có nhiều cháu biết đọc, biết viết và nói được tiếng Việt. Chúng con thầm kính phục sự nhìn xa trông rộng của Thầy giúp cho những người con xa xứ có ngôi nhà tâm linh để tu tập để trở về cội nguồn của mình.

Từ đó dòng thiền Việt Nam đã chính thức có mặt ở nơi đất Mỹ. Thời gian đầu, để mọi việc được thuận buồm xuôi gió, chính Thầy đã đảm nhận chức vụ trụ trì thiền viện Quang Chiếu và cử ni sư Hạnh Diệu làm phó trụ trì. Đây là món quà tinh thần quý báu và vô giá, là một vinh dự mà Thầy đã dành cho chúng con những đứa con bơ vơ và lạc lỏng nơi xứ người. Chúng con cúi đầu cảm niệm ân đức này.

Thiền viện Quang Chiếu được Thầy nhận và làm lễ khánh thành sơ bộ vào ngày 15 tháng 10 năm 2000. Ba năm sau đó, có hai vợ chồng Phật tử Diệu Mỹ, Nguyên Lương phát tâm cúng dường xây cất chánh điện mới, cùng với sự đóng góp hỷ cúng tịnh tài và công sức của tất cả quý Phật tử gần xa. Thầy thương chúng con nên đã cắt cử ni sư Hạnh Diệu sang chỉ đạo việc xây cất ngôi Đại Hùng Bảo Điện, với quy mô diện tích khoảng 400m2. Sau khi hoàn tất công trình, Thầy đã cho quý hòa thượng và quý ni trưởng trong tông môn sang tổ chức Lễ khánh thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2003. Chúng con đã hân hoan cung đón chư Tôn đức tăng ni về dự lễ chia sẻ niềm vui thành tựu với chúng con.

Con còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên được theo Thầy và ni trưởng Trúc Lâm ni đến thiền viện Quang Chiếu, khoảng 10 giờ đêm ngày thứ Sáu. Vì từ Việt Nam bay đến Phi trường Los Angeles California khoảng 3 giờ trưa, sau khi làm thủ tục hải quan khai hành lý, lấy ra rồi phải chuyển sang hãng United Airline để đến phi trường Dallas Fort Worth TX. Chờ lấy tất cả hành lý rồi Phật tử mới đón Thầy đến Quang Chiếu, khoảng trên 10 giờ đêm. Vậy mà Phật tử vẫn chờ đợi, đứng hai bên đường để cung nghinh Thầy. Thầy đi qua, mọi người xá chào, trên mặt đều hiện nét vui mừng rạng rỡ và an lành. Một vị Phật tử đại diện choàng vòng hoa cho Thầy và ni sư Trúc Lâm. Mệt mỏi vì một cuộc hành trình dài nửa vòng trái đất mà Thầy vẫn tự tại, an nhiên tươi cười nhìn từng Phật tử. Con như cảm nhận được trong đó có bao nhiêu chất ngọt vi diệu làm cho mỗi người được an vui và quên hết những mệt nhọc vì chờ đợi Thầy. Họ hạnh phúc vì chỉ nhớ có Thầy đang ở đây và mình được gần bên Thầy. Trời đã khuya, Thầy vào thiền đường lễ Phật và về phòng an nghỉ, để sáng hôm sau còn phải sắp xếp bao nhiêu là việc.

Hai ngày sau, nhằm ngày Chủ Nhật, buổi Lễ Khánh thành và An vị Phật tại thiền viện Quang Chiếu được diễn ra rất long trọng và trang nghiêm. Chiều hôm đó, Thầy giảng một thời pháp như trận mưa lớn ban bố trên những mảnh đất khô cằn nhiều năm tháng, mọi người đều được thấm nhuần lợi lạc.

Những ngày kế tiếp Thầy làm Lễ Quy y cho Phật tử và thuyết pháp. Có nhiều nơi thỉnh mời Thầy thuyết giảng, nhưng Thầy phải từ chối bớt vì không đủ thời gian.

Buổi giảng ở Houston, Phật tử thuê hội trường, có đến 700-800 người đến nghe Pháp. Thầy Minh Ấn trụ trì chùa Bảo Quang ở San Antonio cũng thỉnh Thầy đến chùa giảng. Thầy Minh Ấn và bác sỉ Thụy (hội trưởng của chùa) sắp đặt chương trình buổi giảng. Lúc gần đến chùa thì có người chạy ra cho hay là bên trong treo cờ tứ tung và cãi nhau dữ dội. Thầy nói với Ban tổ chức nếu giảng mà có lắm điều rầy rà thì sẽ không có kết quả nên Thầy từ chối không giảng. Bác sĩ Thụy buồn ra mặt nhưng không nói được lời nào, Thầy về lại Houston. Đây là duyên không thuận, nhưng sự việc đó với Thầy chỉ là một hạt cát trong đại dương thôi, không làm Thầy có chút nao lòng.

Cũng ngày hôm đó, Hoà thượng Nguyên Hạnh ở chùa Việt Nam, Houston thỉnh Thầy thuyết giảng, có trên 500 người nghe. Sau khi Thầy thuyết giảng xong, Phật tử đứng sắp hàng dài để được vào đảnh lễ Thầy. Trong một ngày mà phải giảng liên tục, tuy rất mệt nhọc nhưng Thầy tiếp Phật tử rất ân cần và luôn mỉm cười nhè nhẹ.

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, Thầy cùng phái đoàn từ giã Quang Chiếu lên đường đi Georgia, đến tu viện Kim Cang của Hòa thượng Hạnh Đạt. Hôm đó giảng tại hội trường cũng có khoảng 500 thính giả, sau buổi giảng Thầy làm Lễ Quy y cho các Phật tử. Sau đó, Hòa Thượng Thánh Nghiêm mời Thầy lên New York giảng thiền cho Phật tử nghe, trong đó có nhiều người Mỹ đến tham dự nên Thầy giảng và có người thông dịch. Mọi người hoan hỷ lắng nghe như đang uống cạn từng giọt nước pháp.

Tiếp tục hành trình, phái đoàn về Virginia đến chùa Hoa Nghiêm, ở đây Thầy giảng ở hội trường lớn, cũng có một số người chống đối biểu tình. Vì an ninh cho Thầy, Ban tổ chức phải nhờ hai cảnh sát đi hai bên để bảo vệ Thầy, khi giảng xong cũng có hai cảnh sát hộ tống Thầy ra xe, có gần mười chiếc xe cảnh sát đậu bên ngoài. Trong bối cảnh dầu sôi ấy Thầy vẫn ung dung tự tại ra vào không chút bận lòng. Còn chúng con thì thắc thỏm lo thầm.

 Có nhiều lời phê phán không căn cứ gán ghép cho Thầy nhưng Thầy vẫn thản nhiên, không đính chính, không phân trần. Lúc đó có một vị làm việc ở đài truyền hình Mỹ tại Wa DC nghe chuyện bất bình nên xin đến phỏng vấn Thầy. Sau khi phỏng vấn, ông đưa bài về California Little Saigon. Như vậy mới thấy người tu hành chân chánh và thanh tịnh luôn có những vị Hộ pháp xuất hiện ra tay tương trợ.

Sau đó phái đoàn về thiền tự Ngọc Chiếu, California. Có một ông trong nhóm tin tức toàn cầu đến xin phỏng vấn. Thầy đã thố lộ nguyện vọng của mình: Muốn duy trì Chánh pháp lâu dài không phải bằng lý thuyết mà phải thực hành, tăng ni phải tu, tu phải chứng đạo. Người muốn hiểu Thầy phải biết rõ tâm tư, mục tiêu của đời Thầy:

1/Học cho hiểu.

2/ Tu cho được.

3/ Đem kinh nghiệm tu để giảng dạy cho người.

Vì theo chiều dài lịch sử từ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam… Phật giáo được lưu truyền và phát triển là do sự tu chứng của chư tăng ni. Như ở Ấn Độ, thời đó không ai biết đạo Phật là gì, khi Phật tu chứng mới truyền bá được đạo. Tựu trung muốn duy trì và bảo vệ Phật pháp là phải tu, vì vậy mà mọi tổ chức bên ngoài Thầy không quan tâm, Thầy chủ trương làm sao cho tăng ni tu được. Thầy lập thiền viện ở nơi nào đều đặt nặng việc tăng ni phải tu hành sáng đạo. Nên muốn hiểu Thầy phải thấy rõ mục tiêu của Thầy.

Rời Ngọc Chiếu, Thầy đi Sacramento, rồi đi Seatle viếng chùa Việt Nam và giảng tại đó. Sau đó Thầy về lại Việt Nam.

Trong chuyến đi này, Thầy đã di chuyển rất nhiều nơi, giảng pháp liên tục và làm Lễ quy y cho rất nhiều Phật tử. Trừ một vài sự cố đáng tiếc, Thầy đi đến chỗ nào mọi người đều vui mừng và hoan hỷ như những đứa con xa xứ lâu ngày được gặp mẹ hiền, được uống no dòng sữa pháp ngọt ngào, để có chút tư lương cho cuộc đời mình.

Đi trong bão táp mà vẫn được bình yên và có cơ hội để nói lên nguyện vọng và tâm tư của mình cho mọi người hiểu, trong cái không thuận duyên mà lại có kết quả tốt đẹp. Vậy mới thấy đức độ của Thầy thật lớn, đã hóa nguy thành an, hóa dữ thành lành. Sống dưới bóng Thầy chúng con luôn nhận được sự che chở bình an như vậy đó.

Cái duyên của con ở Quang Chiếu cũng nhiều lận đận. Khi mới nhận công việc thầy giao phó, lúc đầu chưa quen cũng chưa có kinh nghiệm khi tiếp xúc với mọi người, con thấy mình khá vụng về trong cách ứng xử nên có ý định bỏ cuộc trở về Trúc Lâm tu, để sống những ngày êm đềm bình thản không vướng bận, lo toan. Khi về thăm Thầy con đã thưa: “Thầy ơi con làm dâu nhiều người quá, con không muốn làm nữa.” Thầy ngó con cười, rồi nói: “Con làm dâu có một chút mà đã than rồi, Thầy làm dâu cả trăm ngàn họ, còn không nói gì. Thôi ráng đi con!” Từ đó con đã ý thức trách nhiệm của mình và nương theo lời dạy của Thầy con đã vượt qua mọi khó khăn, để được vững vàng cho đến ngày nay.

Con sanh ở Trúc Lâm nhưng trưởng thành ở Quang Chiếu, ân Thầy bao la không lời gì có thể diễn tả được. Dù cuộc đời có bao thay đổi, Trúc Lâm và Quang Chiếu vẫn là quê hương, là nơi con luôn hướng về. Thân con ở nơi đất nước xa xôi nhưng lòng con lúc nào cũng nhớ về Thầy. Thầy đã luôn bao dung nhắc nhở, che chở và tin tưởng con nên con đã cố gắng hết sức làm tròn bổn phận của mình, không dám lơ là nhiệm vụ để phần nào đền đáp ân Thầy.

Sợ con ham vui quên tu nên khi có dịp Thầy thường nhắc khéo: “Con phải lo tự tu, nếu không Thầy không thể cứu con được. Gìn giữ của Tam bảo con phải cẩn thận khi chi thu.” Con lại có tỉnh.

Mỗi lần về Trúc Lâm, con hay hát cho Thầy nghe bài ca: Nhớ Thầy, Phật tâm…của con tự chế để nghêu ngao những lúc nhớ đến Thầy. Thầy nhìn con cười, bảo: “Hèn chi ở đây Thầy cứ nhảy mủi hoài.” Nghe Thầy nói, con rất vui, dù ở xa Thầy nhưng lúc nào con cũng cảm nhận trong tâm con có một chỗ để quay về. Ni chúng và Phật tử Quang Chiếu đã được nuôi lớn bằng dòng sữa pháp của Thầy nên luôn tri ân và hướng về Thầy.

Quang Chiếu trải qua bao thăng trầm rồi cũng dần trưởng thành theo từng năm tháng. Khi mọi việc đi vào nề nếp ổn định, Thầy đã giao hẳn cho ni sư Hạnh Diệu trụ trì để Thầy được nghỉ ngơi thảnh thơi lo việc của mình. Chúng con được sống bình an nơi ngôi già lam thanh tịnh này trong thời gian dài từ ngày thành lập đến nay, đã nhận ân pháp nhũ đầy lòng từ bi của Thầy, cũng như được sự quan tâm ủng hộ tứ sự của Phật tử nên được an ổn tu tập, để mỗi ngày mỗi thấm nhuần đạo lý, biết được con đường về nhà. Công ơn Thầy làm sao con nói hết đây!

Cúi đầu đảnh lễ Thầy

Ân Người tợ trời cao

Cố đem lời chân thật

Cốt chỉ cái chân tâm

Muốn vào được trong ấy

Trước phải có niềm tin

Bền bỉ và gắng công

Tam bảo thường gia hộ

Thấy nghe hiện toàn thân

Của báu ở trong nhà

Thấy rồi được an lạc

Ôi trời xanh! Trời xanh!

Bạch Thầy, viết những dòng chữ này, con muốn nói lên lời tri ân, cảm niệm những gì con nhận được ở Thầy, con đã biết tu theo lời chỉ dạy của Thầy và biết được mình có ông Phật. Con nguyện đời đời luôn thờ Phật, thờ Thầy không bao giờ thối chuyển.

Kính lạy Thầy

Thích nữ Huệ Thanh

Lên đầu trang