GẶP THẦY

Khi còn ở thiền viện Linh Chiếu có lần chúng tôi được theo Thầy về Phước Hậu – Trà Ôn để dự lễ khánh thành chùa. Sau một ngày nhọc nhằn bận rộn giảng pháp, tiếp khách, buổi tối Thầy dạo ra bờ sông. Chúng tôi ráp theo cả đám đông ngồi vây quanh Thầy để nghe kể chuyện “ngày xưa”. Thầy ngả người trên ghế bố nhìn ra dòng sông ban đêm nước đen ngòm, trầm ngâm trở lui về quá khứ rồi bắt đầu: “Ngày xưa Thầy chèo đò trên sông, lúc đó Thầy còn trẻ…” Chúng tôi xích lại gần ngồi nghe say sưa, cảm động. Câu chuyện mới vào đề thì một bác cư sĩ bước tới tự xưng là “đạo hữu Mầu” đòi gặp Thầy. Bác ta ngồi phịch xuống bờ sông gần chân Thầy, rồi cùng với hơi men rượu bốc ra thoang thoảng bác cư sĩ bắt đầu lè nhè kể lể những mẩu chuyện không ăn nhập vào đâu của người nửa tỉnh nửa say. Chúng tôi ngồi im không biết làm gì. Câu chuyện “Dòng sông và chú lái đò” kết thúc ngay đó. Tôi ấm ức trong bụng “Thật là một người phá đám” nhưng biết làm sao!

Các buổi chiều Thầy từ Thường Chiếu chống gậy qua Linh Chiếu ngồi võng uống bột và chúng tôi vây quanh võng để “Thầy trò tâm sự các sinh hoạt trong ngày”. Đây là những lúc vui vẻ cởi mở mà ít ai trong chúng tôi bỏ qua. Thầy nghe chúng tôi kể lể hoặc thưa hỏi và Thầy tùy theo đó giảng dạy. Một hôm Thầy vừa chủ tọa buổi thỉnh nguyện bên Thường Chiếu và định kể cho chúng tôi vài điều để sẵn đó răn dạy luôn. Thầy bảo: “Mấy chú bên đó tu hành nghiêm túc hơn tụi con, nhưng khi có sự cố gì xảy ra thì xử thật mệt hơn…” Vừa lúc đó có một cô cư sĩ lớn tuổi, người này có con xuất gia tại Linh Chiếu nên sau khi xá chào Thầy, rồi ngồi sà xuống ngang nhiên kể chuyện nhà cửa, chồng con riêng tư của mình. Cô này nói năng còn dẻo dai hơn ông “đạo hữu” ở trên nên câu chuyện cứ liên tục dây dưa mãi. Chúng tôi chưng hửng ngồi nhìn nhau chán nản “chịu trận” như vậy đến hết giờ.

Một năm kia Thầy bắt đầu đi ra nước ngoài. Ngày Thầy về chúng tôi qua Thường Chiếu để chào đón. Lòng mừng khấp khởi khi thấy cây gậy của Thầy gõ lộp cộp trên bậc thềm. Chúng tôi chen nhau xá chào và chờ Thầy ngồi nghỉ mệt một lát mới thưa hỏi. Chưa ai kịp nói gì thì một cô ni lớn tuổi đắp y Sa di sà vào đảnh lễ. Cô xưng là đệ tử thầy Thông H ở Mỹ. Thầy của cô khuyên: Khi về Việt Nam nhớ đến đảnh lễ “Sư ông”. Nghe nói đệ tử của một vị tăng cũ của Thường Chiếu, Thầy bèn hỏi han khuyên dạy vài câu. Cô cũng thưa gởi ít điều rồi thôi. Tôi bắt đầu nói thầm trong bụng: “Đáng lẽ tới đây cô đảnh lễ Sư ông rồi rút lui để chúng tôi thăm hỏi Thầy mới phải chứ!” Vì tôi chỉ nói thầm một mình tôi nghe nên cô cứ quỳ mãi ở đó chẳng thèm nhúc nhích, chúng tôi không biết làm sao. Chợt thầy thị giả bước vào ra dấu giải tán để Thầy nghỉ ngơi sau chuyến đi xa về còn mệt.

Trong những năm tháng đầu đời tu tôi cứ cảm thấy mình bị người khác “tranh giành” mất Thầy như thế. Thực ra nếu xét suy cho kỹ sẽ thấy: từ phật tử cho đến người xuất gia, nếu là đệ tử Thầy thì ai cũng muốn được gặp Thầy, gần Thầy không riêng gì tôi.

Sau khoảng tám năm ở Linh Chiếu tôi xin lên Đà Lạt. Thiền viện này được xây cất chu đáo và bên trong tổ chức chặt chẽ trang nghiêm hơn các thiền viện khác. Ngoài số thiền sinh ham tu ở các thiền viện nhà, Thầy còn chiêu sinh các chùa, viện khác. Bất cứ ai hâm mộ Thiền tông, có đủ điều kiện do Thầy nêu ra và được bổn sư gởi tới Thầy đều thâu nhận. Do đó khi tôi được chuyển lên nhập chúng ở Thiện Viện Trúc Lâm Ni Đà Lạt thì Đại chúng đã có đủ sắc màu: Thiền, Tịnh, Nguyên Thủy, khất sĩ. Tôi có thêm nhiều bạn đồng tu mới. Thầy cũng thường ân cần thăm hỏi các đệ tử mới nhập môn.

Thời gian này Thầy đi ra nước ngoài liên tục: châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, các nước Đông Nam Á v.v.. Chúng tôi ở nhà lao đầu vào các thời khóa tu. Những chuyện đón chào và gần Thầy để thưa hỏi không còn làm tôi nôn nóng như trước nữa.

Năm tháng trôi nhanh, kết thúc mười năm chuyên tu. Nhiều huynh đệ “xuống núi”, nhất là các thiền sinh từ các chùa viện bạn chia tay với chúng tôi vì các vị bổn sư ở xa nóng ruột trông mong đệ tử trở về.

Tôi cũng nhận được lệnh của Hòa thượng Ân sư sai đi ra thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh. Tại đây tôi làm tri khách bên “Nhà khách nữ” để tiếp đón chư ni và phật tử nữ. Tôi vẫn tiếp tục cuộc đời tu hành: tọa thiền, nhập thất.v.v.. Thỉnh thoảng có những đoàn phật tử tham quan đông đúc hoặc chư ni từ xa đến hay ở nước ngoài về xin trú ngụ; nhưng chủ yếu là các phật tử đến đây để học đạo, tu thiền. Từ các học sinh chín, mười tuổi cho đến các bà ngoài sáu mươi vẫn hăng hái tới thiền viện. Ngoài việc giảng dạy những điều căn bản của phật pháp, hướng dẫn tọa thiền, tôi hay khuyến khích phật tử đặt câu hỏi. Cuối cùng tôi phải đương đầu với mọi loại câu hỏi có khi cũng nhức đầu:

  •  Thưa Sư cô con giun bị đứt làm hai đoạn sẽ tiếp tục sống thành hai con giun, như vậy nghiệp của chúng nó có giống nhau không?
  •  Giống như con người và muôn vật khác sinh đôi, sinh ba – mỗi người một nghiệp, có những điều giống và có những điểm khác.
  •  Một vài lần con bị mẹ mắng : “Điều lầm lẫn nhất trên đời này là tao lỡ sinh ra mầy!” Vậy mẹ con có thương con không? Thưa cô?
  •  Lời mẹ cha rầy mắng con dù là nặng hay nhẹ không phải là chứng tỏ sự thương ghét. Điều quan trọng là thái độ của con, không nên giận cha mẹ và nói năng hành xử chống lại mà phải tìm hiểu tại sao mẹ có những lời nói nặng như thế.

Một hôm có cô gái trẻ khoảng ba mươi tuổi, mặt mũi âu sầu đến gặp tôi kể lể:

  •  Bố mẹ con chẳng thương con, anh chị em trong nhà không ai hiểu con. Bạn bè và người chung quanh nhìn con nghi ngờ, coi thường con. Con chán nản quá chẳng biết đi đâu, đôi lúc muốn chết quách cho rồi. Sư cô dạy con phải làm gì đây?

Tôi nhìn thấy nó còn khỏe mạnh, bèn hỏi:

  •  Hiện tại con có làm việc ở cơ quan nào không?
  •  Dạ trước kia con có đi làm một thời gian ngắn rồi nghỉ, nay ở nhà.
  •  Con hãy tìm đến một bệnh viện nào gần nhà, tiện đường đi cho con nhất, vào đó xin làm công quả. Cứ thấy việc nào vừa sức mình thì làm: hốt rác, lau nhà, đẩy xe v.v… Ít lâu sau sẽ có câu giải đáp cho con.

Độ nửa năm sau tôi đi thăm một huynh đệ ở bệnh viện trong tỉnh. Đang đứng nói chuyện với người quen, bất thần nghe tiếng reo mừng:

  •  Con xin chào sư cô.

Tôi quay lại thấy một người nữ, mang bao tay, mặt mũi che kín mít chỉ có đôi mắt lấp lánh. Tôi bật cười:

  •  Con là ai, mặt mũi bịt kín giống “ông Kẹ” quá vậy?

Nó mở khẩu trang ra cười hì hì, kể:

  •  Hồi trước cô khuyên con đến bệnh viện công quả. Con đến đây một thời gian, người ta bảo con làm việc chính thức luôn cho đến bây giờ.
  •  Con đã giải đáp được câu hỏi về con chưa?
  •  Dạ con hiểu rồi, nhờ cô bây giờ con thấy vui vẻ, dễ sống quá. Mọi người hiểu con, bố mẹ thương con và con cũng thương mọi người, cô ạ.

Đôi khi có chút thì giờ rỗi tôi ngồi suy gẫm: tất cả những khó khăn, trăn trở của phật tử tôi chưa từng gặp, cũng chưa nghe ai giải đáp. Trong kinh Phật không ghi, lời Thầy dạy không có, nhưng tôi cứ nhẩn nha dẫn dắt phật tử không bỏ sót câu nào và hầu như tất cả đều mãn nguyện. Sự hiểu biết này ở đâu ra? Có phải Chư Phật, Bồ Tát và Thầy ở đâu đó trên tôi hay gần bên tôi. Hằng ngày tôi không có ngóng vọng Thầy như hồi xưa. Nhưng mỗi cử chỉ việc làm của tôi như có ý chỉ của Thầy trong đó.

Tôi cứ yên tu và sinh hoạt với các huynh đệ và phật tử ở thiền viện Trúc Lâm Yên Tử trên đất Bắc như vậy, quên mất thời gian. Chợt một hôm tôi nhận ra chân mình bước đi hơi yếu, mắt mình chập choạng hơi mờ, cái già đến tự lúc nào không hay. Nhẩm tính lại đã hơn mười hai năm trôi qua rồi còn gì! Tôi lại xin trở về Trúc Lâm Đà Lạt. Núi đồi cao nguyên vẫn im vắng, khí hậu vẫn mát lạnh như ngày nào. Những lời thơ xưa còn văng vẳng đâu đây:

“Non cao gió lạnh mưa bay

Gậy thiền dạo khắp đông tây Phụng Hoàng”.

Đồi Phụng Hoàng vẫn mưa bay, gió lạnh nhưng “Gậy trúc thiền sư” đâu còn gõ vang trên lối cũ. Các gốc thông chưa thành cổ thụ nhưng “Lão sư” đang an ổn trên ghế dưỡng già.

Thời gian này Thầy đang ở Thường Chiếu, tôi tiếp tục ở Trúc Lâm Đà Lạt. Không nhìn thấy cũng không vọng ngóng trông Thầy, sợ mất Thầy như ngày xưa. Vì trong tôi đã thấm sâu những dòng sữa pháp ngọt ngào. Đã nếm được ít nhiều hương vị thiền vi diệu. Không phải riêng tôi mà các huynh đệ tôi trong hàng tăng ni, kể cả một số phật tử gần xa cũng đã thể hiện ra điều ấy. Chúng tôi đã có được dưỡng tố để nuôi thân huệ mạng. Không những đời này mà cả những đời sau.

Thỉnh thoảng tôi mới có dịp đi thăm Thầy. Thầy ngồi lặng lẽ trên ghế nhìn ra, da mồi chân yếu của cái tuổi gần “bách niên” nhưng đôi mắt vẫn an tường, hiền hậu nhìn đoàn tử tôn đông đúc. Có khi chúng tôi đứng chắp tay nhìn Thầy ngồi trên xe đẩy đi qua. Tất cả không ai nói năng kể lể ríu rít như ngày xưa, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình rất gần Thầy. Tôi muốn thưa thầm với Thầy: “Thầy ạ, cho đến ngày nào xác thân tứ đại của Thầy, của con đều tan rã thành tro bụi và cả đời sau không gặp nhau trong cùng một quốc độ con cũng cảm nhận rằng con vẫn gặp Thầy và gần Thầy mãi mãi

ÂN THẦY

Xa rồi bao kiếp lang thang,

Gót chân phiêu lãng lạnh băng cuối trời.

Chợt nghe hương ấm ngàn nơi,

Mắt Thầy tỏa xuống ngát đời thiền sinh.

Con nhanh chân, bước đăng trình,

Khoát y hoại sắc tập thiền sớm khuya.

Đệ huynh từng bữa sớt chia,

Những bài kinh kệ xa xưa lạ lùng.

Thầy dìu từng bước chân non

Vạch màn sanh tử không còn lầm mê.

Chúng con biết lối quay về,

Quê nhà bổn xứ gần kề ngay đây.

Mở bày mắt tuệ xưa nay,

Dù chưa rốt ráo vẫn đầy niềm tin.

Trời thiền mở sáng quang minh,

Cạn lời không đủ nói lên Ân Thầy.

THUẦN GIỚI.

Lên đầu trang