Dòng sữa pháp vô tận

Xưa kia tại thành Ca-tỳ-la-vệ đức Bổn sư ra đời, đó là một đại phúc hy hữu cho muôn loài. Sự xuất hiện của Ngài như vầng đại nhật sáng soi, chiếu diệu, phá tan màn đêm mê mờ. Sự hiện diện của Ngài như vị cam lồ dược, như dòng suối ngọt vọt trào thấm nhuần trên những vùng đất khô cằn, khiến bao chúng sanh đang lâm nạn đều được dần thoát kiếp khổ trầm luân.

Theo thời gian trôi qua, dòng suối ngày càng được lan tràn tưới tẩm đến tận những miền đất xa xôi không cùng tận, dưới sự dày công dẫn nước, không màn sương gió khó nhọc của những người con Phật, những bậc hùng sĩ vĩ đại đi trước. Như trong đời hiện tại, Sư ông, vị Bồ-tát cứu tinh của đời con vậy.

Con sanh ra và lớn lên tại đất nước chùa tháp, chịu ảnh hưởng truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Nhưng thật bất ngờ thay, dòng sữa pháp đại thừa của Sư ông đã âm thầm len lỏi thấm sâu đến tận chốn xa này.

Thời đó gia đình con tuy không khá giả, nhưng mẹ con thường tùy theo khả năng dâng tứ sự cúng dường đến chư tăng, bất luận sư là người Việt, người Hoa, hay là người bổn xứ đều không phân biệt. Có một hôm, mẹ dẫn con đến cúng dường tại một ngôi chùa Việt nhỏ, nằm khiêm tốn trong con hẻm khá chật hẹp của xóm dân lao động nghèo, nơi đó có một vị sư tu thiền từ Việt Nam mới sang. Sau khi nhận phẩm vật, sư cũng có thuyết một bài pháp thoại ngắn nói về năm giới của Phật tử tại gia.

Con không biết tiếng Việt, nên mọi thứ đều nhờ vào sự phiên dịch của mẹ. Dù rằng mẹ chỉ có thể dịch được chút ít phần nào nhưng cũng đủ cho con cảm nhận được một sự khác biệt lớn, điều đó đã làm chấn động cả tâm hồn con. Nói về năm giới thì chúng con luôn được nghe chư tăng nhắc đến dường như hàng ngày, trong từng bài kinh tụng, trong từng nghi lễ thường nhật. Đây là phong tục không thể thiếu của đất nước tu tập theo Phật giáo Nguyên thủy. Nhưng trước con chỉ biết giữ năm giới qua hình tướng bên ngoài, nay được nghe: phải giữ giới từ trong tâm, phải phòng từng niệm dấy nhỏ nhặt. Đây là điều hoàn toàn mới lạ, là giọt sữa pháp vi diệu hy hữu quý báu làm thay đổi cuộc đời con. Phút giây nếm được pháp hỷ sung mãn, quá xúc động, không thể kềm chế được, toàn thân con cứ rúng động lên, dòng lệ cứ lăn dài tuôn mãi không dừng, khiến sư cũng ngạc nhiên không biết việc gì đã xảy ra. Sau khi lấy lại bình tĩnh, con vội nhờ mẹ hỏi thăm, được biết sư vốn tu Tịnh độ nhưng từ khi gặp được Sư ông, sư đã chuyển qua tu Thiền, rồi sau đó sang nước bạn giáo hóa để đền ân. Nghe vậy, lòng con chợt dấy lên một nỗi niềm tha thiết, ước mong một ngày con giống như sư cũng đủ duyên được diện kiến Sư ông.

Từ dạo đó, con theo sư học đạo. Sư dạy con cách tọa thiền, cách điều phục tâm, cũng như cách tu tập trong những lúc bận rộn theo đường lối của Sư ông. Những lúc có duyên được gần sư, con hay hỏi về Sư ông, hỏi về đường lối tu thiền. Như đoán được thâm ý ẩn chứa bên trong, sư dặn: “ Nếu có muốn xuất gia, thì nên tìm đến Sư ông tại thiền viện Trúc Lâm, chớ đừng đi lang thang nơi khác không nên!” Câu nói này như con dấu ấn sâu, khẳng định bước đi tương lai của đời con không sai lệch.

Vào thời ấy, mọi tài liệu về Sư ông trên đất nước láng giềng này, thật vô cùng hiếm hoi và rất quý giá. Ấy vậy mà cuối cùng, mẹ cũng tìm mượn được cuốn phim có quay cảnh Sư ông đang thuyết pháp cho con xem. Lần đầu tiên được nghe pháp nhũ của Sư ông qua lời phiên dịch của mẹ, dù mẹ dịch có chỗ được chỗ không; lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh Sư ông qua băng giảng cho đại chúng, tại ngôi thiền viện uy nghiêm giữa vùng cao nguyên Đà Lạt mù sương. Cơ duyên ấy đã làm xao xuyến tận đáy lòng con, thúc con phải rời xa bổn xứ lên đường tìm đến Sư ông học đạo.

Tuy lòng thiết tha là vậy nhưng con không nhận được sự chấp thuận và ủng hộ của ba mẹ. Qua nhiều lần con xin phép nhưng thất bại, không phải vì gia đình không hiểu đạo mà vì lo lắng cho cuộc sống con thơ nơi xứ lạ quê người, không một bóng người thân. Con đành đơn thân lập nguyện, liều mạng lên kế hoạch vượt biên tầm sư.

Bất chấp mọi chướng ngại, sau khi sắp xếp hành lý xong, đêm ấy con ngồi viết lá thư từ biệt. Trời đã khuya, ngàn sao đang lấp lánh như muốn soi đường đưa lối. Nhìn song thân đang say giấc, con nghẹn ngào quỳ lạy tạ ơn, để rồi sáng mai là ngày bắt đầu một cuộc hành trình vạn dặm nơi xứ người.

Không chút vốn liếng tiếng Việt, không giấy tờ tùy thân, chỉ có duy nhất tấm thẻ sinh viên hết hạn. Biết rõ mọi hiểm nguy đang kề cận khi cố vượt biên trái phép, không khéo có thể bị ngồi bóc lịch trong khám. Nhưng lúc ấy con không thấy sợ, vẫn an lòng vững niềm tin nơi chánh pháp của Sư ông, an lòng vững niềm tin về sự gia hộ của Tam bảo cho kẻ đang cất bước tìm về chân lý thoát tục.

Như một phép mầu con băng qua mười một trạm kiểm soát mà không hề bị phát hiện. Đến trạm cuối cùng bên nước Campuchia và là trạm đầu tiên của Việt Nam, con phải xuống xe trình giấy tờ và lý do xuất nhập cảnh vô lý của mình. Tỏ vẻ lo lắng, các chú công an tạm giữ con lại để tra hỏi lý lịch, biết rõ lý do con bỏ nhà sang Việt Nam tầm sư học đạo, các chú hết lời khuyên can. Khuyên mãi hồi lâu sau thấy chẳng thể lay chuyển được con, bất đắc dĩ đành phạt tiền rồi thả cho đi, kèm theo cái lắc đầu, chắc lưỡi: “Sao mà phiêu lưu quá vậy cháu!?”.

Khoảng bốn giờ chiều, con dừng chân tại thị xã Long Xuyên, huyện Châu Đốc. Con bước lang thang trên con đường vô định, miên man hồi tưởng về lời khi xưa mẹ kể lúc đi tị nạn giặc Pol Pot Khmer Đỏ của thập niên 70, đã từng trú ngụ trong ngôi chùa của một Sư bà. Xứ lạ quê người, trong biển người mênh mông, biết tìm đâu ra ngôi chùa xưa?! Thế mà nhân duyên đưa đẩy, khiến cho con lại xin tá túc qua đêm chính ngay tại ngôi già lam mà hơn hai mươi năm trước mẹ đã từng ở tị nạn, mà ngay lúc đó con vô tình không hề hay biết gì cả.

Tại quê nhà, sau khi phát hiện sự việc con bỏ nhà đi tu. Ba đã lập tức báo tin và gửi hình con cho công an biên giới của hai nước, kèm theo lời yêu cầu: “Nếu gặp cháu tại đâu, xin tạm giữ lại, đợi gia đình đến đón đưa về!”. Qua sự liên kết chặt chẽ này, chẳng mấy chốc, chỉ vài tiếng đồng hồ sau họ đã tìm thấy con, rồi đưa trở về Campuchia.

Trải qua bao phen lận đận, bao lần khóc sưng mắt trong cơn tuyệt vọng, cuối cùng con cũng được như ước nguyện. Nhân duyên học đạo, cất bước tìm đến Sư ông của con thật gian nan trắc trở đến thế đấy Sư ông ạ!

Trong cuộc sống mới tại thiền viện, khó khăn nào có tạm dừng tại đó. Con bắt đầu học tiếng Việt, bập bẹ từ vần A,B,C để ráp chữ. Những buổi học chữ Hán, bị giáo thọ gọi lên dịch bài người con cứ run cầm cập như bắp nổ. Vì sau khi tra từ rồi, ngay cả nghĩa chữ Việt đó con cũng không hiểu nổi, thì làm sao có thể dịch được đây? May nhờ được chư huynh đệ thương tình giải nghĩa dùm, con cũng dần quen nên mọi chuyện cũng được tạm ổn.

 Thời gian đầu, nhiều lần Thầy nhờ việc hoặc dạy bảo đều chi đó, con cứ đứng trơ người ra, vì thật lòng con không hiểu nên không biết phải làm thế nào cho đúng. Lắm lúc cùng làm công tác với đại chúng, quý sư cô bảo con làm cái này con nhầm đi làm cái khác, nhờ lấy cái kia lát về đi cầm cái nọ, làm biết bao người phải phiền lòng. Nhưng những điều này con nào có ý bướng bỉnh dám cả gan không nghe lời người lớn, tất cả chỉ vì cái tội không rành tiếng Việt mà ra thôi.

Đã bao phen con tự khóc thầm vì những chướng duyên của mình. Nhưng khi nghĩ đến thâm ân giáo dưỡng của Sư ông, con gạt lệ, bất chấp mọi khó khăn chướng ngại từ những phong tục, nếp sống và sự bất đồng về ngôn ngữ, con cố gắng nỗ lực, nỗ lực rất nhiều mới có thể bắt nhịp kịp theo đại chúng.

Nơi thiền viện thâm nghiêm ở giữa rừng thông bạt ngàn này, cuộc sống của ni chúng tuy rất đơn sơ giản dị nhưng con cảm nhận được sự ấm áp, sự tận tụy chỉ dạy, hết lòng vì đại chúng của Sư ông của Thầy, qua từng cử chỉ nhỏ nhặt, từng câu nói thường nhật nhưng thấm đầy tình thương và ẩn chứa biết bao nhiêu điều đạo lý.

Rất nhiều những khoảnh khắc sâu đậm đầy kỷ niệm khó quên:

– Hằng ngày khoảng 4h chiều, dù đang trong cơn đau chân kịch liệt của buổi tọa thiền 2h30 đến 4h30, không ai bảo ai chúng con đều lắng nghe tiếng chống gậy “Cộc! Cộc!” của Sư ông vang dội từ xa. Để rồi sau khi xả thiền, cả đại chúng được đứng bao quanh Sư ông dưới gốc cây mận, được nghe từng lời hỏi thăm, từng câu nhắc nhở ân cần, rồi sau đó đưa tiễn Sư ông về thất, được nhìn thấy Sư ông quơ gậy qua lại như thầm nhắc “các con phải về nhà thôi!”. Con đã dần học đạo, dần thấm sâu đạo lý cũng bắt nguồn từ những câu chuyện buổi chiều thường nhật này.

– Mỗi 9h sáng, sau chuyến đi dạo quanh viện Sư ông hay ghé vào Tiếp tân đình để nghỉ mệt, uống nước, ăn buổi lỡ. Có lần thầy bảo con bưng đồ lên cho Sư ông. Sau khi con xá chào Sư ông, Sư ông chợt hỏi con: Đố con mùa này là mùa gì?

Con ngập ngừng hồi lâu rồi thưa: Dạ thưa Sư ông, con không biết! (Thật lòng con chỉ biết bên nước con có hai mùa: mưa và nắng. Còn ở Việt Nam thì con không rõ).

Sư ông cười run cả người lên, rồi nói: Chú này sao khờ quá! Con là người ở đâu mà cả mùa cũng không biết?

Sau khi nghe thầy giới thiệu về con, Sư ông dịu dàng đáp: Để Sư ông nói cho con nghe, Việt Nam có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi Sư ông ân cần giải thích từng mùa từng mùa cho con nghe. Lúc đó con rất cảm động, Sư ông là bậc Thiện tri thức của tăng ni, phật tử trong nước, ngoài nước, với bao công việc bộn bề mà lại chịu khó ngồi chỉ vẽ từng chút cho một đứa mới học đạo lõm bõm như con, từ đó con mới biết hai từ “độ tận” thâm sâu thế nào.

– Những lúc trái gió trở trời, Sư ông mệt nhọc chớm bệnh, thầy dẫn đàn cháu nhỏ chúng con qua cạo gió, đánh gừng cho Sư ông. Cạo vừa xong, Sư ông nhìn đồng hồ, thầy thị giả biết ý liền đem bồ đoàn tọa cụ ra để sẵn cho Sư ông tọa thiền. Sau này, trong những tháng năm đầu bị bệnh nặng phải nhập viện, nhưng đúng giờ Sư ông vẫn đều đặn tĩnh tọa tùy theo sức. Nhìn thấy gương hạnh tinh tấn này con vô cùng cảm động, và tự thẹn sao mình chưa đủ lòng kiên nhẫn tinh tấn như Sư ông, dù rằng tuổi tác hãy còn khá trẻ.

Những lời nhắc nhở tận tình, từ ngôn giáo cho đến thân giáo của Sư ông khiến mỗi ngày chúng con càng cảm nhận được dòng sữa pháp của Sư ông đang chảy thấm dần từng giọt, từng giọt không ngừng vào tận xương tủy. Phật pháp nào có đâu xa, chỉ ngay nơi thế gian này, trong từng sinh hoạt nói năng đi đứng hàng ngày. Thế mà chúng con nhiều lần vì tập khí sâu dày, thuận theo vô minh, nên cứ cam phận làm ngỗng đói kêu la ỏm tỏi, chẳng chịu uống sữa chừa nước. Khổ nhọc cho Sư ông, phải đắng miệng khô môi biết bao!

Nhớ có lần con bị răng khôn mọc ngược đâm ngang, nhức nhối sưng hết cả bên mặt. Gặp dịp Sư ông về giảng ở Thường Chiếu rồi ghé qua Chơn Không, thầy cho con quá giang để đi mổ răng. Đi ngang qua bờ biển, Sư ông chợt hỏi: H.H ơi! Biển ở trước kìa, con có thấy không?

Lúc này con nào có nhớ đến sữa, chỉ nghĩ tới nước là cơn nhức răng đang hành hạ thôi nên đâu còn tinh thần lọc lấy vị sữa ngon ngọt thuần khiềt đang hòa lẫn trong nước lã? Chúng sanh là như vậy đó Sư ông ạ!

Rồi tháng này sang năm nọ, bốn mùa cứ vần xoay, dần dần chúng con cũng khôn lớn, cũng bớt làm ngỗng đói, biết khéo lọc lấy sữa nhiều hơn. Từ đó con cũng tập chia sẻ gánh nặng với thầy tổ trong từng công việc lớn nhỏ. Lòng dặn lòng, thầm nhủ: “Chớ quên ân người xưa!”.

Thời gian cứ vùn vụt trôi qua! Hiện nay tuy Sư ông đã về Tổ đình Thường Chiếu để nghỉ dưỡng bệnh, nhưng bóng mát của Sư ông vẫn còn lan tỏa an lành trong lòng chúng con. Hình ảnh của Sư ông vẫn luôn tỏa sáng khó thể phai mờ và dòng sữa pháp của Sư ông vẫn như ngày nào tuôn chảy róc rách không ngừng.

Chúng con thầm nghĩ, nếu không có sự xuất hiện của Sư ông trên thế gian này, cuộc đời chúng con sẽ ra sao đây? Thâm ân này thật khó có thể dùng lời để diễn tả và cũng không biết lấy gì để đền đáp cho hết được.Từ non đảnh xa xôi, nơi gốc núi bình an chúng con xin hướng về Sư ông lễ tạ tri ân vị đại Bồ-tát muôn thuở của chúng con và muôn loài.

Con Huyền Hiếu kính dâng!

Lên đầu trang