Tượng Phật Trở Về

Nhà anh chị Bửu Viên đang nghỉ hưu nằm trong khu phố McLean, một khu vực sang trọng và yên tĩnh trong vùng Hoa Thịnh Đốn. Căn nhà xinh xắn lại thêm mảnh vườn nhỏ trước sân có cây đào, bụi trúc và một vài bụi cúc. Có lẽ anh Bửu Viên còn đang sưu tầm một cây mai chịu đựng được khí hậu mùa đông của xứ Mỹ để mảnh vườn có đủ bộ mai, cúc, trúc, đào trước sân nhà.

Trong khuôn cảnh ngôi vườn nhỏ bé nhưng đủ bộ hoa cảnh quý này có một câu chuyện hy hữu đã xảy ra mà tôi mạn phép xin kể ra sau đây:

Anh Viên vốn theo đạo Phật, có pháp danh Nguyên Giác. Năm xưa anh thỉnh được một tượng Phật bằng xi măng ở một cửa tiệm. Vì bức tượng cũng khá lớn và khá nặng nên anh để ở ngoài vườn dưới gốc bụi trúc đào. Có lẽ anh muốn đặt tượng Phật tại nơi đây để nhắc nhở tới hình ảnh Đức Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề. Thế rồi cách đây hai năm bức tượng đó đã bị mất trộm. Khi bức tượng bị mất cắp, anh cũng không hối tiếc chi vì anh nghĩ có lẽ có người muốn đem tượng Phật để an trụ vào một nơi tôn kính hơn để thờ phượng, giá trị tượng Phật bằng xi măng cũng không đáng là bao.

Vào một ngày cuối Đông năm nay, đúng ra là ngày 8 tháng 3 năm 2003, nhằm ngày Phật Thích Ca xuất gia mồng 8 tháng 1 âm lịch, một sự kiện bất ngờ đã xẩy ra như phép lạ: Hôm ấy anh Viên đang vui vẻ chén chú chén anh với tôi, một người bạn đàn em của anh, bỗng nghe tiếng chuông gọi cửa. Anh Viên ra mở cửa thì thấy có 2 thanh niên Mỹ, đầu tóc để dài, ăn mặc xuề xòa, áo jean, giầy thể thao. Khi thấy hai thanh niên lạ mặt tóc tai như là loại punky, anh cũng hơi e ngại thì một trong hai thanh niên Mỹ hỏi rất lễ phép:

– Xin lỗi ông, có phải trong quá khứ ông mất một tượng Phật ỏ trước sân nhà?

– Đúng rồi, anh Viên đáp.

Cả hai cậu thanh niên Mỹ cùng thay nhau giải thích:

– Chúng tôi là kẻ đã lấy trộm tượng Phật của ông. Cách đây 2 năm khi đi ngang nhà ông, chúng tôi bỗng thấy như có mối gắn bó nào đó với pho tượng và chúng tôi đã tự ý mang bức tượng về nhà. Sau khi lấy tượng Phật, chúng tôi đã tò mò tìm hiểu về đạo Phật. Từ đó, chúng tôi càng ngày càng đi sâu vào Phật pháp và ngày nay chúng tôi đã trở thành Phật tử. Vì đã quy y phải tuân theo ngũ giới, nên chúng tôi cảm thấy việc lấy trộm tượng Phật trong vườn nhà Ông là một hành động phạm giới . Hôm nay chúng tôi xin mang tượng Phật đến hoàn trả lại ông.

– Thật thế ư, cám ơn, cám ơn.

– Thật mà, xin ông chờ chúng tôi ra xe mang tượng Phật vào.

Hai thanh niên Mỹ vội bước đến chiếc xe Lexus sang trọng đậu gần đấy. Một cậu khệ nệ bê tượng Phật, một cậu trịnh trọng cầm một chậu lan trắng và một bó hoa tươi. Cậu cầm hoa nói:

– Xin Ông nhận lại tượng Phật và hoa. Chúng tôi rất hối hận và thành thật xin lỗi ông. Xin ông chỉ chỗ cho chúng tôi đặt lại tượng Phật.

Ông Bửu Viên chỉ chỗ dưới gốc đào cho họ để tượng Phật và sau đó ông nói:

– Cám ơn các bạn đã mang trả lại tượng Phật cho tôi. Trong đạo Phật người ta thường nói đến duyên khởi, đây đúng là một cái duyên đặc biệt đã đưa các bạn tìm tới đạo Phật. Nay các bạn đã biết đến Đạo, biết sám hối, biết làm đìều phải, chắc chắn các bạn sẽ gặp được nhiều điều lành, thân tâm an lạc. Tôi cũng là một Phật tử như các bạn; vậy thì xin gọi các bạn là đạo hữu và tiện đây xin chúc các đạo hữu sẽ đuợc tinh tấn trên con đường thực hành Phật pháp, làm tốt cho Đạo và Đời.

Sẵn có máy hình mang theo, tôi vội xen vào:

– Các bạn nói đã là Phật tử vậy hãy xin cung kính lễ Phật rồi cho phép chúng tôi chụp một tấm hình lưu niệm để đánh dấu cái duyên lành ngày hôm nay.

Các thanh niên đó làm y lời và bức ảnh chụp 2 thanh niên “punky” người Mỹ đang thành tâm chắp tay niệm Phật kèm theo bài viết này là bằng chứng hùng hồn về cơ duyên nói trên.

Khi kể lại cơ duyên trên với nhiều bạn bè, có nhiều bậc cao niên cho rằng bức tượng Phật đó rất thiêng trở lại về chốn cũ, hoặc là tượng Phật linh thiêng đã hóa duyên cho hai thanh niên Mỹ tìm tới Phật pháp.

Riêng tôi, tôi thiết nghĩ đây là một bằng chứng cụ thể chứng minh đạo Phật đã và đang phát triển sâu rộng tới quần chúng Hoa Kỳ. Dân Hoa Kỳ đã tới lập quốc trên đất này vì tự do tôn giáo, họ có một tinh thần rất cởi mở đối với tất cả mọi đạo và có một tinh thần bác ái, hỷ xả rất cao. Gần đây hình như giới sinh viên học sinh Tây Phương có nhiều dịp tìm hiểu đạo Phật. Họ nhận chân ra đạo Phật là đạo rất phóng khoáng về lý thuyết cũng như thực hành, cùng với triết lý nhân duyên vô ngã rất thích hợp với nhu cầu tìm học của họ ngày nay.

Tôi cũng xin phép chị Sương Lam, ĐS 12, một nhà văn nhà thơ rất quen biết trong giới chúng ta, được kèm theo bài thơ Phật Duyên do chị sáng tác để mừng tặng anh Bửu Viên trong chuyện lạ Phật Hoàn Cố Chủ này.

Tuệ Mệnh

Phật Duyên
(Kính tặng ĐH Bửu Viên để mừng
đã được hoàn trả Tượng Phật đã mất.)
Phật mất, Phật còn, Phật vẫn đấy,
Duyên tan, duyên hợp, duyên còn đây,
Nào ngờ Phật mất khai duyên mới
Hai kẻ trộm kia, ngộ Đạo rồi!
Trong cuộc trần ai: còn hay mất ?
Chỉ là hai mặt chữ Duyên thôi
Nếu vẫn còn duyên, duyên tái hợp
Nếu duyên đã mất, thuận duyên tan!
Phật mất ta buồn: lo phúc hết!
Nào ngờ khai mở phúc duyên may!
Khiến người lầm lạc cơn mê tỉnh.
Bỏ xuống đồ đao, chánh giác về!
Phật đã hoàn về cùng chủ cũ,
Hóa duyên hai kẻ đã lầm mê!
Thiện căn vẫn ở trong TÂM đãy!!
Hội đủ phúc duyên, sẽ hiện về!!
Sương Lam

(trong Thơ Sương Lam, www.thahương.net, mục Văn Học)

Lên đầu trang