Một Cõi Đi Về

Ngày còn là sinh viên, tôi và các bạn thường rủ nhau đi nghe nhạc vào cuối tuần, nhạc Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ đang thịnh hành. Bài nhạc nào của ông cũng giống như bài thơ nhất là lời nhạc rất đạo vị.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về…

Khi nghe bài hát nầy tôi vẫn thường hoang mang, còn có cõi nào cho ta đi về khi cứ sống theo những thói quen đua đòi với chúng bạn. Chắc chắn là không thể về cõi Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà vì đã không thực hành pháp môn niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, còn 3 cõi tam đồ thì rất dễ rơi vào nếu không biết quy y Tam Bảo.

Từ nhỏ tôi đã theo Ngoại đi chùa lễ Phật và tụng kinh (công phu chiều). Bà ngoại tôi thường dạy: “Đi chùa lễ Phật và tụng kinh cho có phước đức, có đức thì không sức mà ăn, còn cúng chùa thì như của cho vay tuy là mất vốn ngày sau có lời”. Lúc đó tôi cũng chưa hiểu rõ lắm nhưng Ngoại bảo đi thì cũng đi theo. Thời gian qua mau, lớn lên tôi đi học, bài vở quá nhiều tôi không có dịp đi chùa nữa. Một hôm Ba tôi đau nặng, chỉ vài ba hôm thì ông mất. Tôi như hụt hẩng trước sự mất mát to lớn ấy. Ba tôi mất lúc ông chỉ mới vừa 51 tuổi, đời người ngắn ngủi thế sao? Sau cái chết của ba tôi, tôi không còn yêu đời như trước nữa. Tôi nguyện phải làm một cái gì sau nầy để có thể giúp cho mọi người thoát khỏi sự đau buồn vì sanh ly tử biệt!

Rất thương Ba nên tôi cứ thắc mắc không biết Ba tôi chết rồi đi về đâu ?

… Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà ?

Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu cuộc đời nầy là vô thường và đau khổ với sanh, già, bệnh, chết, tôi chỉ biết rán học cho thành tài để nuôi mẹ và lo cho gia đình. Rất may, tôi cũng đỗ đạt và có chỗ làm tốt nhưng chỉ vài năm sau thì biến cố lớn xảy ra, công danh sự nghiệp đều tan theo dòng nước…, vô thường là đây !!.

Nhờ chủng tử lành đã gieo, tôi đi chùa trở lại, nghe Hòa Thượng Ân sư giảng ở Xá Lợi rồi Chân Không, tôi thấy rõ vô thường của sự vật và bắt đầu tập tu thiền. Tuy thiền tông còn quá mới nhưng tôi lại thấy thích hợp hơn. Vã lại, lời giảng của Hòa Thượng quá rõ ràng và thực tế giúp tôi hiểu rõ kinh khi đọc tụng, tôi lại càng thêm kính tin Tam Bảo.

Càng đi sâu vào sự tu tập và có thời gian được ở gần với quí Cô trong các Thiền Viện, thấy Cô nào cũng vui vẻ dù lao động rất cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, tôi nghĩ có lẽ quí Cô đã biết rõ nơi chốn đi về nên mới an nhiên tự tại như thế. Chính quí Cô đã giúp tôi bớt buồn khổ và gợi nhớ trong tôi lời ước nguyện xa xưa năm nào lúc Ba tôi qua đời là làm sao để giúp mọi người bớt khổ. Ý muốn xuất gia của tôi nẩy nở dần, nhưng tôi còn mẹ già phải chăm sóc nên không thể thực hiện được. Cho đến một ngày tôi phải rời xa quê hương để đoàn tụ với gia đình chị tôi, việc tu tập gián đoạn trong thời gian tôi phải học Hòa nhập vào cuộc sống mới. Cuộc sống ở nước ngoài tưởng đâu êm ả nhưng chẳng bao lâu mẹ tôi vướng phải căn bệnh bất trị và bà qua đời. Một lần nữa tôi chới với và thấy rõ sự vô thường của kiếp nhân sinh, tôi quyết định đi tu để mong tìm ra chân lý của vạn pháp, giải thoát sinh tử luân hồi cho mình và giúp mọi người thoát khổ.

Nhân duyên hội đủ, Hòa Thượng Ân Sư đã hứa khả cho tôi được xuất gia. Buổi sáng bước vào thiền đường, quỳ trước Đức Phật, tăng chúng trang nghiêm hai hàng làm tôi cảm động ứa nước mắt, ước mơ đã thành sự thật, Hòa Thượng Ân Sư đang cắt tóc cho tôi trong tiếng kệ vang vang như nhắn nhủ tôi từ đây phải chuyên cần tu tập để đền đáp ân Thầy Tổ và đừng làm mai một chí nguyện cao cả ban đầu.

Kính bạch Thầy, giờ đây tuy Thầy đã nhập thất nhưng những lời dạy dỗ của Thầy vẫn vang vọng mãi trong con, Thầy đã từng dạy: ‘Tu thiền là để nhận ra bản tâm, bản tánh của mình. Nhận được bản tâm mới tin ‘tức tâm tức Phật’, còn nhận được bản tánh thì mới biết tánh mình vốn thanh tịnh, tròn đủ, diệu dụng và vốn hay sanh muôn pháp (vạn pháp duy tâm tạo)’.

‘Tánh giác là cái thấy biết có sẵn, không sanh không diệt, không đến đi thì đâu có nơi chốn, cho nên khi đức Phật lúc sắp tịch diệt có người hỏi rằng, đức Phật nhập diệt rồi sẽ đi về đâu, Ngài đã im lặng vì Ngài là bậc chánh đẳng chánh giác lúc nào cũng sống trong tánh giác trọn đủ’.

À thì ra mình đau khổ là vì không nhận thấy được bản tâm chân thật nầy, cứ xem mọi thứ bên ngoài là thật, ngay thân ta do duyên hợp (tứ đại: đất, nước, gió, lửa) cũng cho là thật nên chấp thân nầy, ai đụng tới thì nổi sân, không nhớ chỉ khi hơi thở ra không hít vào lại là chết, vô thường ở ngay trong từng hơi thở.

Con xin thành tâm kính lạy Thầy người đã hướng dẫn cho con biết được đường lối tu tập để tự nhận ra của báu nhà mình, giải thoát sinh tử luân hồi là việc trọng đại của đời người ngắn ngủi, mà muốn giải thoát sinh tử thì đừng khởi một niệm dù niệm lành hay dữ, niệm lành thì được sanh về chốn lành (cõi trời hay sanh vào nhà quyền quí cao sang), nhưng có sanh là có diệt, còn niệm dữ thì rơi vào tam đồ khổ (địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh). Các niệm khởi đều là hư vọng do bóng dáng sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra thức phân biệt, nếu khi sáu căn tiếp xúc sáu trần mà biết dừng lại ở đó, đó tức là diệu dụng của tâm thể vậy. Từ nay con đã biết nơi chốn đi về nhưng thật sự cũng không có nơi chốn nào đi về cả khi hằng sống với thể tâm thanh tịnh ấy. Bài nhạc mà con đã nghe và đã từng hoang mang giờ đây đã có giải đáp.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng…
……

Tâm bất sinh nào có cõi đi về

Uyển Minh

Lên đầu trang